Rượu ba kích có thực sự làm cường dương như lời đồn?

Vừa qua, một trường hợp người đàn ông uống rượu ba kích phải nhập viện cầu cứu bác sĩ vì tình trạng cương dương suốt 30 giờ. Trên thực thế rượu ba kích không thể gây ra tình huống nêu trên.

Cây ba kích là gì?

Ba kích (có tên khoa học là Morinda officinalis) còn có tên gọi khác là ba kích thiên, nhàu thuốc, ruột gà, diệp liễu thảo, đan điền âm vũ, chẩu phóng xì… Ba kích là loại cây thuộc chi Nhàu, họ Cà phê.

Cây ba kích thường phân bố ở ven rừng các vùng trung du và đồi núi thấp phía bắc, nhất là các tỉnh như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hà Giang, Hà Nội…

Ba kích có hai loại với những đặc điểm khác nhau:

  • Ba kích trắng: loại này chiếm khoảng 80-90% trong tự nhiên. Đặc điểm nhận dạng là vỏ vàng nhạt, phần thịt màu trắng và khi ngâm rượu thuốc sẽ có màu tím nhạt.
  • Ba kích tím: loại này hiếm hơn, chỉ chiếm từ 10-20% trong tự nhiên. Vỏ màu vàng sậm, phần thịt bên trong màu tím sẫm nên khi ngâm rượu sẽ cho ra màu tím đậm.

Củ ba kích

Tác dụng của cây ba kích

Từ lâu, cây ba kích đã được sử dụng rộng rãi trong Đông y với nhiều công dụng khác nhau như:

  • Cải thiện chức năng thận
  • Trị bệnh tiểu đường
  • Trị viêm da, viêm khớp
  • Giúp xương chắc khỏe hơn, cải thiện thoát vị, cải thiện chứng đau lưng
  • Ba kích cũng được cho là có tác dụng tích cực với bệnh trầm cảm, vì tăng tác dụng của serotonin, một chất hóa học được mệnh danh là hormone hạnh phúc trong não.
  • Ba kích có thể giảm viêm và có tác dụng điều chỉnh các hormone trong cơ thể.

Uống rượu ba kích có tác dụng cường dương không?

Trong Dược học cổ truyền, nguyên liệu ba kích được xếp vào nhóm thuốc bổ dương, có vị cay ngọt, tính ấm, có công năng chủ trị bổ thận dương, mạnh gân cốt, thận dương suy nhược dẫn đến di tinh, liệt dương, xuất tinh sớm… Do đó, nhiều người truyền tai nhau về tác dụng rượu ba kích trong việc tăng cường bản lĩnh đàn ông.

Ba kích có công năng chủ trị bổ thận dương

Tuy nhiên, rượu ba kích có thể phản tác dụng nếu người dùng không biết cách ngâm rượu ba kích đúng. Sai lầm phổ biến nhất khi ngâm rượu từ cây ba kích là ngâm cả lõi độc. Bên cạnh đó, người dùng thường mua nhầm phải rượu ba kích trôi nổi, có bỏ thêm các loại thuốc kích dục. Điều này khiến người dùng lâm vào những tình cảnh “dở khóc dở cười”.

Đặc biệt, ba kích chỉ là vị thuốc bổ trợ chứ không có tác dụng điều trị hoàn toàn và triệt để. Nếu muốn dùng ba kích để cường dương phải được bốc kèm với một số vị như dâm dương hoắc, đỗ trọng…

Vì vậy, đối với người bị bệnh rối loạn cương dương, không có chuyện uống rượu ba kích là khỏi vì như đã nói, rượu này chỉ có tác dụng hỗ trợ, cải thiện phần nào. Bệnh rối loạn cương dương có nhiều nguyên nhân: do thần kinh, tâm lý, hay do tác động của một bệnh lý khác. Người bệnh muốn trị Đông y hay Tây y đều được nhưng nhất thiết phải có sự thăm khám, kê toa và hướng dẫn của thầy thuốc, không nên tự ý mua những thứ được cho là “bổ dương” về dùng bừa bãi.

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng