Sai lầm thường gặp khi thông tắc tia sữa bằng lá đinh lăng

Theo kinh nghiệm xưa truyền lại, thông tắc tia sữa bằng lá đinh lăng đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, có nhiều bà mẹ mắc sai lầm khi sử dụng biện pháp này.

Thông tắc tia sữa bằng lá đinh lăng không chỉ giúp tình trạng tắc sữa thuyên giảm, mà còn có tác dụng bồi bổ cơ thể và chống dị ứng.

Lá đinh lăng có tác dụng gì?

Đinh lăng trong Đông y là một loại thuốc có vị ngọt, tính mát, hơi đắng được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh.

Trong đinh lăng có chứa nhiều thành phần hóa học, cụ thể là 8 loại saponin oleanane. Trong phần rễ có chứa hàm lượng saponin rất lớn cùng với các vitamin nhóm B như B1, B2, B6, vitamin C. Đặc biệt đinh lăng có đến 20 loại acid amin thiết yếu không thể thay thế được như cysterin, lysin, methionin.

Những thành phần này được tìm thấy tương tự trong nhân sâm, mà có lẽ ai cũng biết nhân sâm là loại thực phẩm giá trị như thế nào đối với sức khỏe. Cụ thể, đinh lăng là thành phần dược liệu xuất hiện trong những bài thuốc giải độc thức ăn, kiết lị, chống ho ra máu, trị tắc sữa, lợi sữa.

Tại sao lá đinh lăng chữa tắc tia sữa được?

Đối với phụ nữ, đinh lăng như một loại “thần dược” trị tắc tia sữa sau sinh. Bởi, đinh lăng có tính mát làm các cục sữa đang vón được tan ra, giảm tình trạng căng tức ngực.

Đầu tiên, lá đinh lăng có tác dụng kích thích, đả thông ống dẫn sữa. Sau đó, bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng cho người mẹ.

Vậy nên, sử dụng đinh lăng không chỉ giúp mẹ khỏi tắc sữa mà còn có tác dụng lợi sữa, đem về nguồn sữa dồi dào cho bé.

5 cách thông tắc tia sữa bằng lá đinh lăng

1. Thông tắc tia sữa bằng uống nước lá đinh lăng

Sử dụng 150-200gram lá đinh lăng tươi, rửa sạch sau đó cho nào nồi nấu với 200ml nước.

Nấu sôi khoảng 7 phút, để nguội sau đó chắt lấy nước đầu tiền để uống. Tiếp đó, đổ thêm 200ml nước nấu lại lần 2.

Uống liên tục trong 2-3 ngày để thấy hiệu quả. Nước lá đinh lăng uống xen kẽ nước lọc, không nên uống thay thế.

2. Nấu canh lá đinh lăng

Món ăn dễ ăn và phổ biến đó là canh sườn với lá đinh lăng.

Cách làm

Sử dụng 100gram lá đinh lăng tươi, rửa sạch, để ráo nước.

Sườn trần qua với nước sôi để hết mùi tanh của thịt lợn. Sau đó rán sườn qua với hành tím, nêm nếm gia vị.

Sau đó, cho nước sôi vào, thả lá đinh lăng vào nồi. Nấu đến khi sườn mềm, nêm nếm thêm gia vị vừa ăn.

Món canh này giúp sữa về dồi dào và thải độc tố ra ngoài cơ thể.

3. Lá đinh lăng luộc

Món ăn này dùng như rau trong bữa cơm của bà đẻ trong tháng ở cữ. Dùng 200gr lá đinh lăng tươi luộc chín, sau đó chấm kèm với ít nước mắm mặn. Ăn nóng kèm cơm trắng rất ngon và còn có tác dụng chữa tắc tia sữa hiệu quả.

4. Cháo giò heo lá đinh lăng

Chân gió với lá đinh lăng là bộ đôi kết hợp giúp lợi sữa, thông tắc tia sữa hiệu quả.

Cách làm

Dùng 150gram lá đinh lăng, 1 chiếc giò heo và khoảng 100gram gạo tẻ.

Làm sạch giò heo và chặt thành miếng vừa ăn. Lá đinh lăng thì cho vào ấm nấu khoảng 15 phút, lấy nước cốt. Sau đó, cho gạo đã vo sạch vào nồi nấu thành cháo cùng nước lá đinh lăng và giò heo. Nếu sử dụng lá đinh lăng phơi khô thì bạn chỉ cần 30gr là được.

5. Đắp lá đinh lăng thông tắc tia sữa

Dùng 100gr lá đinh lăng và 50gr lá diếp cá, rửa sạch, cho vào cối giã nát. Sau đó đắp lên ngực mẹ sẽ thấy dịu, bớt căng nhức.

Một số sai lầm khi thông tắc sữa bằng lá đinh lăng

Lá đinh lăng rất tốt cho việc thông tắc tia sữa, kết hợp với massage ngực, chế độ ăn nghỉ hợp lý. Tuy nhiên, trong lá đinh lăng có chứa thành phần saponin, một chất tương tự như nhân sâm, nếu dùng quá liều có thể gây ra ngộ độc.

Chỉ nên sử dụng tối đa 200g lá đinh lăng một ngày với lá tươi và dưới 30g lá đinh lăng ở dạng khô.

Chỉ có loại đinh lăng lá nhỏ mới có khả năng chữa trị tắc tia sữa. Ngoài ra mẹ cũng nên chọn lá của những cây đinh lăng đã già trên 3 năm tuổi.

Cách chữa tắc tia sữa bằng lá đinh lăng và một số mẹo dân gian khác trên đây hi vọng giúp mẹ chữa trị hiệu quả tình trạng bị tắc tia sữa.

 

 

 

Nguồn : bau.vn