Sớm nhận thức được vấn đề thời trang làm ảnh hưởng tới môi trường, năm 2013, chị Bùi Thị Kim Ngân đã bắt đầu tái chế quần jeans thành những chiếc túi để tặng cho mọi người. Sau đó, Ngân tham gia vào những trang handmade và đăng tin kêu gọi mọi người đổi 6 chiếc quần cũ lấy 1 chiếc túi.
Trước đây, Ngân học ngành Điện tử viễn thông, sau khi ra trường cô đã xin vào một công ty ở Hà Nội. Cuộc sống văn phòng ngày làm việc 8 tiếng, nhưng cô chỉ tập trung làm được khoảng 5 tiếng, thời gian còn lại đối với cô quả thật lãng phí vô cùng. Vì thế, Ngân nghĩ tại sao mình không làm việc ở nhà, vừa chủ động về mặt thời gian vừa được làm những điều mình thích.
Muốn được sống thay vì tồn tại
Năm 2012, khi Ngân đang còn là sinh viên năm cuối đại học, cô đi khám và bất ngờ khi nhận được kết quả rằng cô mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Lúc đó, Ngân nhập viện trong tình trạng tiểu cầu máu rất thấp, chỉ ở mức 8.000 trong khi tiểu cầu của người bình thường giao động từ 150.000 – 450.000. Kim Ngân chia sẻ: “Sáng nào dậy tôi cũng bị chảy máu chân răng nhưng không sao cầm được, lúc nằm ngủ máu cũng cứ chảy ra gối suốt”.
Thời gian ở viện, mỗi ngày Ngân đều phải đối diện với cây kim chọc tủy to dài. Điều đáng sợ hơn cả, sau điều trị Ngân tăng cân nhiều khiến thân hình của cô thay đổi hoàn toàn so với trước kia. Tác dụng phụ của thuốc đã khiến cô mất ngủ triền miên. Cô đã nhiều lần bật khóc, thậm chí là từng nghĩ tới cái chết.
Khi nằm viện, Ngân bắt đầu suy nghĩ về cuộc sống: “Nếu tôi cứ sống như một người bình thường, bất ngờ một buổi sáng nào đó tôi không tỉnh dậy được nữa. Chắc chỉ khoảng sau một thời gian ngắn, nếu không phải người nhà thì sẽ chẳng còn ai nhớ đến tôi nữa. Tôi nghĩ rằng tôi phải làm sản phẩm tái chế để sản phẩm đến được với nhiều người hơn”.
May mắn, gia đình vẫn luôn sát bên và giúp đỡ Ngân vượt qua khó khăn bệnh tật. Để rồi sau khi bệnh tình thuyên giảm, cô bắt đầu nhận ra được nhiều giá trị tích cực hơn trong cuộc sống.
Nghỉ việc văn phòng nhàm chán, quyết tâm theo đuổi công việc tái chế
Nghỉ việc văn phòng từ 2015, công việc chính thời điểm đó của Ngân là mở xưởng làm túi với các chất liệu như da thật, giả da, vải truyền thống… Thời điểm Ngân chính thức nghỉ việc, mẹ than thở một chút: “Sao không đi làm văn phòng nhàn hạ mà lại nghỉ việc làm ở nhà?”. Tuy vậy, cô vẫn nhận được sự tôn trọng từ mẹ để tiếp tục theo đuổi công việc này.
“Thời điểm chỉ tặng hoặc đổi mọi người cũng không ủng hộ lắm, mọi người chê rằng tại sao phải đổi 6 cái quần để lấy 1 cái túi? Điều đó khiến tôi hoang mang, không biết rằng mình làm vậy là đúng hay sai. Nhưng cứ làm, lại có nhiều người biết tới và ủng hộ tôi hơn”, Ngân nói. Sản phẩm túi tái chế từ quần jeans cũ được đón nhận, năm 2019 Ngân mới chính thức bắt đầu sản xuất và bán các sản phẩm tái chế.
Tái chế đúng nghĩa tái chế
“Tôi không làm sản phẩm với số lượng nhiều, chủ yếu làm theo hàng đặt, vì quá trình sản xuất nào cũng làm ảnh hưởng tới môi trường. Nếu làm số lượng lớn, công việc tái chế tự dưng không còn ý nghĩa ban đầu của tái chế, mà trở thành thời trang nhanh và lại thải rác ra môi trường”, cô tâm sự.
Trung bình 1 tháng Ngân làm khoảng từ 20 – 25 chiếc, đó là trước đây. Còn bây giờ mỗi tháng khoảng 30 – 35 chiếc, một ngày chỉ làm được hơn khoảng 1 cái túi.
Theo Ngân đánh giá, chất liệu jeans là một loại vải rất bền, thời trang. Chính vì thế, cô đã quyết định lựa chọn vải jeans để tái chế. Ngoài ra, cô còn hướng tới mục tiêu tái chế “rác thải với môi trường”, nên càng kéo dài vòng đời sản phẩm thì ý nghĩa càng lớn.
Phần lớn Ngân có những mẫu thiết kế sẵn, ít khi làm theo yêu cầu thiết kế của khách. Bởi thông thường để làm nên một chiếc túi phải trải qua rất nhiều công đoạn. Những mẫu thiết kế phải thật sự ổn thì Ngân mới đưa vào bán, khách muốn đặt mẫu mới sẽ phải chờ rất lâu. Còn lại, khách sẽ chọn những mẫu có sẵn và cô căn cứ theo mẫu quần mà khách gửi có đủ yêu cầu không.
Ngân đang làm khá đa dạng các sản phẩm tái chế như túi, ví, balo, tạp dề, kẹp tóc… Ngoài tái chế quần jeans, gần đây nhất cô có làm thêm bằng một số chất liệu khác từ quần áo cũ. Điều đặc biệt nhất ở những chiếc túi tái chế đó là không bao giờ “đụng hàng”, mỗi sản phẩm tạo ra sẽ mang nét riêng, cả kể khi đã thêu cùng một họa tiết.
Sống là chính mình
Hiện tại, Ngân vẫn đang tiếp tục phát triển sản phẩm túi jeans tái chế ra nước ngoài cũng như bán cho các kênh hàng thủ công… Riêng Hà Nội và Sài Gòn đã có điểm bán, Ngân hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều hơn các điểm bán hàng ở những nơi du lịch trên toàn quốc.
Mỗi ngày được làm công việc mình yêu thích, sống lạc quan, trồng cây trồng hoa, chăm lo cho gia đình đối với Ngân mà nói là điều hạnh phúc lớn lao.
Nguồn : bau.vn
Tags: Sống Xanh - Thở Lành