Tên hay cho con

Khi giao tiếp, điều người ta quan tâm đầu tiên là tên gọi của nhau. Một cái tên đẹp sẽ gây được thiện cảm ban đầu cho người khác.Vậy làm sao để đặt cho bé một cái tên hay và ý nghĩa.

Tên dễ gọi
Một cái tên ý nghĩa trước hết nghe thấy tươi trẻ, đầy sức sống, không quá cầu kỳ, hạn chế sự trùng tên trong dòng tộc, có thể đứng vững cả cuộc đời của trẻ sau này mà vẫn giữ được âm thanh trong sáng, thân thiện.

Để có một cái tên đẹp và nhiều hàm ý cũng cần những tiêu chí khác nhau. Chức năng quan trọng nhất của tên người là để xác định, phân biệt “phần danh” giữa người với người.

Về cấu trúc, tên của người Việt thường gồm: Họ – Tên đệm – Tên chính. Trong đó, “họ” là để phân biệt huyết thống, “tên chính” dùng để phân biệt người này với người khác, “tên đệm” thường dùng để phân biệt giới tính (nam, nữ) như: Thị, Diệu, Nữ dùng cho nữ giới; Bá, Mạnh, Văn dùng cho nam giới.

Điều quan trọng nhất của việc đặt tên là chọn chữ nghĩa sao cho hay và lịch sự. Cụ thể:
– Âm vần của tên gọi phải hay, đẹp.
– Tên gọi phải có kiểu chữ đẹp, dễ viết, dễ tạo nên chữ ký đẹp, chân phương.
– Thông thường, tên 3 chữ thường đặt cho con trai và tên 4 chữ thường đặt cho con gái. Ví dụ: Nguyễn Đức Nam, Phạm Thị Ngọc Bích,… Cách đặt tên này thường dễ gọi và khá thuận miệng.

Trong tiếng Việt, nhóm vần bằng bao gồm các chữ có chứa thanh huyền, thanh ngang; nhóm vần trắc gồm các chữ có chứa thanh sắc, nặng, hỏi, ngã. Để thuận tiện cho việc gọi tên, tên chính và tên đệm nên tôn trọng luật bằng trắc. Chữ đệm là vần bằng thì tên nên là vần trắc và ngược lại.
Ví dụ: Nhật Minh, Quang Thắng, Minh Ngọc, Khánh Vân, Ngọc Trâm, Tuyết Mai,…

Ngày nay, trừ ông bà tổ tiên, những người thân của cha mẹ, còn lại bất cứ tên nào cũng có thể được bố mẹ đặt cho con. Những tên của người được cha mẹ hâm mộ cũng thường được lấy để đặt cho con. Các dấu hiệu giới tính trong tên gọi như “Văn” cho tên con trai và “Thị” cho tên con gái dường như không còn là yếu tố bắt buộc nữa.

Gợi ý đặt tên cho bé
* Ghép họ của bố mẹ để đặt tên cho con: (Thể hiện sự gắn bó máu thịt của cả bố và mẹ).
Ví dụ: Nguyễn Lê Minh, Phạm Trần Khánh Vy,…

* Lấy quê quán, địa danh, tên sông, núi để đặt tên cho con: (Thể hiện tình yêu quê hương, luôn nhớ về cội nguồn).
Ví dụ: Nhật Lệ, Hội An, Vĩnh Phú, Gia Lâm, Trường Giang,…

* Lấy mùa sinh để đặt tên cho con: (Mong muốn con sẽ nhớ về khoảnh khắc mình sinh ra).
Ví dụ: Trang Hạ, Xuân Quỳnh,…

 * Đặt tên theo địa danh, kỉ niệm: (Gợi nhớ nơi bố mẹ gặp nhau, mùa bố mẹ yêu nhau,…).
Ví dụ: Thu Cúc, Hiền Lương, Thanh Sơn, Hoài Thu,…

* Đặt tên với niềm hy vọng của cha mẹ vào con cái:
Có người muốn con mình sau này thông minh và thành đạt hơn người (Quang Minh, Minh Nguyệt,…). Có người lại muốn con mình sau này sẽ là đứa hiếu thuận, sống có trước có sau (Trung Hiếu, Hòa Thuận,…)

* Đặt tên con theo nhân vật trong truyện, tiểu thuyết: (Mong muốn con mình có những tính cách hoặc vẻ bề ngoài như nhân vật).

* Đặt tên theo các hiện tượng tự nhiên:
Ví dụ: Hải (biển), Đại Hải (biển lớn), Thủy (nước), Thiên (trời), Sơn (núi), Thạch (đá), Lâm (rừng), Giang (sông), Nguyệt (trăng), Nhật Dương (mặt trời),… Từ những cái tên này, các bạn có thể tìm những tính từ đệm rất hay để kết hợp vào nhằm tạo ra một cái tên thật sự ý nghĩa như mong muốn.

* Đặt tên con theo các loài thảo mộc: Những cái tên như: Thạch Thảo, Hoàng Bách, Hoàng Tùng, Hồng Nhung, Phong Lan,… đều được lấy từ loài hoa, loài cây quý có ý nghĩa biểu tượng nhất định, biểu hiện cho ý chí, sức mạnh của người con trai hay sự dịu dàng yểu điệu của người con gái
          
Không nên đặt tên:
1. Trùng tên tiền nhân.
2. Khó phân biệt nam nữ.
3. Mang màu sắc chính trị.
4. Cầu lợi, quá tuyệt đối.
5. Có nghĩa khác ở tiếng nước ngoài.
6. Tên dính đến scandal.
7. Tên có tính đại ngôn.
8. Tên vô nghĩa.
9.  Tránh thô tục, tránh họ và tên cùng vần, cùng chữ.

Diệu Thu

Nguồn : bau.vn