Cảm nhận được những cú “đạp” của thai nhi hẳn là một trong những trải nghiệm đặc biệt và kì diệu nhất mà các mẹ bầu có, đặt một dấu mốc đáng nhớ và thiêng liêng trong quá trình thiên thần nhỏ của bạn phát triển. Dưới đây là một vài sự thật nho nhỏ mà mẹ có thể chưa biết về những cú đạp từ bé yêu.
Chúng ta đều biết, trong quá trình phát triển, thai nhi sẽ di chuyển xung quanh tử cung của mẹ. Hiện tượng này vẫn được gọi là việc bé “đạp” bụng mẹ. Gọi là “đạp” nhưng thực ra, chúng còn bao gồm việc bé “nấc”, bé trở mình, nhào lộn và nhiều chuyển động khác nữa. Ngoài ra, không phải chuyển động nào của bé mẹ cũng cảm nhận được. Khi bé mới bắt đầu biết đạp, mẹ sẽ chỉ cảm thấy những rung động rất nhẹ hoặc cảm giác sột soạt trong bụng mà thôi.
Gọi là “đạp” nhưng thực ra, chúng còn bao gồm việc bé “nấc”, bé trở mình, nhào lộn và nhiều chuyển động khác nữa. (Ảnh minh họa)
Sau 5 tháng của thai kỳ, em bé bắt đầu hoạt động trong tử cung. Các hoạt động đầu tiên của bé dễ nhận biết là thai nhi bắt đầu đạp trong bụng mẹ. Đến tháng thứ 6, em bé bắt đầu có phản ứng với các âm thanh bên ngoài bằng các cử động, đôi khi người mẹ sẽ cảm giác như em bé đang nấc.
Sang tháng thứ 7, bé yêu sẽ phản ứng được với các kích thích như ánh sáng hay tiếng ồn và đau. Em bé bắt đầu thay đổi vị trí ở tháng thứ 8 và đạp vào bụng mẹ rất nhiều. Các bác sĩ khuyến cáo các bà mẹ nên để ý cử động của bé, lý tưởng nhất là khoảng 10 cái đá, nhúc nhích, sột soạt hay lăn trong vòng 2 giờ. Mức độ này chứng tỏ bé đang rất khỏe mạnh.
Những cử động của bé sẽ giảm khi sang tháng thứ 9. Lúc này thai nhi đã trưởng thành đầy đủ trong tử cung và không còn chỗ trống nào cho bé quẫy đạp. Bạn có thể căn cứ vào những điều này và thông báo cho bác sĩ kịp thời khi thấy những bất thường.
1. Bé đạp nhiều hơn sau bữa ăn
Một em bé khỏe mạnh sẽ đạp trung bình khoảng 15-20 tuần một ngày. Thường thì bé sẽ đạp nhiều hơn sau khi mẹ dùng bữa.
2. Bé đạp nhiều hơn để phản ứng với những gì xảy ra bên ngoài
Trong bụng mẹ, bé thường chơi trò duỗi tay chân để thư giãn hoặc di chuyển, đó là lúc mẹ cảm nhận được những cú đạp. Những yếu tố ngoại cảnh đặc biệt cũng có tác dụng kích thích bé đạp như: ánh sáng chói, tiếng ồn,…
3. Bé đạp sớm nhất là vào tuần thứ 9
Tuy nhiên, những cú đạp này chỉ được nhận ra bằng phương pháp siêu âm vì đây vẫn là giai đoạn quá sớm để người mẹ có thể cảm nhận được. Mẹ nhận ra việc bé đạp rõ ràng từ tuần 18-19 trở đi. Tuy nhiên, các mẹ phải hết sức tinh tế vì lần đầu đạp của bé có thể chỉ như một cơn gió thoảng qua hoặc bị nhầm với cảm giác rung nhẹ ở bụng. Sau tuần thứ 24, bạn sẽ thấy bé đạp thường xuyên hơn. Mẹ mang thai lần 2 có thể cảm nhận những cú đạp này từ tuần 13.
Bé đạp sớm nhất là vào tuần thứ 9 (Ảnh minh họa)
4. Giảm số lần đạp không phải lúc nào cũng đáng lo!
Thỉnh thoảng, bé cũng tạm nghỉ trong tử cung mẹ khoảng 40-50 phút. Ngoài ra, từ tuần 36 trở đi, bé có thể sẽ di chuyển chậm lại do lúc này bụng của mẹ đã trở nên chật chội.
5. Giảm số lần đạp có thể là dấu hiệu không ổn
Một em bé khỏe mạnh sẽ đạp từ 15-20 lần một ngày. Số lần đạp bụng mẹ của thai nhi giảm có thể là dấu hiệu đáng lo ngại vì điều này có thể đồng nghĩa với việc thai không nhận đủ chất dinh dưỡng hoặc ôxi. Lúc này, mẹ bầu nên đi khám thai để kịp thời phát hiện và xử lí những vấn đề có thể xảy ra.
Trái ngược với cách hiểu của một số người, một em bé đạp ít hơn thường lệ không có nghĩa bé sẽ là người ít nói và trầm lặng mà có nghĩa là bé cần sự giúp đỡ. Nếu mẹ ăn thứ gì đó mà sau hơn một giờ không thấy bé cử động thì có thể có vấn đề gì đó. Đôi khi, chuyển động của thai nhi có xu hướng giảm khi lượng đường trong máu của bạn giảm.
Theo Phununew
Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276
Nguồn : bau.vn