‘Tình dục lành mạnh giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung’

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là căn bệnh nguy hiểm và phổ biến ở phụ nữ nhưng có thể phòng ngừa bằng cách khám phụ khoa định kỳ kết hợp tiêm văcxin, có đời sống tình dục lành mạnh. Đó là lời khuyên của bác sĩ Lê Văn Hiền và Nguyễn Ngọc Anh Tuấn

– UTCTC là do virus HPV gây ra, vậy virus này thường xuất hiện ở đâu, tiến trình lây nhiễm như thế nào, có thể đề phòng được không? Dạng người như thế nào là dễ bị mắc bệnh nhất ? Bệnh này liệu có thể sinh con và chữa trị dứt hẳn được không ? (Bao Chau, 26 tuổi, Hà Nội)

– Bác sĩ Lê Văn Hiền: Chào bạn, ung thư cổ tử cung (UTCTC) do vi rút HPV gây ra, virus này dễ lây truyền qua đường tình dục. Đối tượng có nguy cơ lây bệnh cao là những người phụ nữ quan hệ tình dục với nhiều người. Tuy nhiên, 80% phụ nữ bị nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. Trong số trên 100 loại virus HPV thì có vài loại có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung và loại 16, 18 là cao nhất. Có thể phòng ngừa được bằng cách chích văcxin. Bệnh này vẫn có thể sinh con được bình thường, điều trị bằng đốt điện hoặc đốt laser.

– Người nhà tôi đi khám thì phát hiện có tế bào ung thư cổ tử cung, chẩn đoán 1/2 tử cung và đã được một giáo sư giỏi phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung. Vậy ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu đã cắt toàn bộ tử cung và hiện đang điều trị tia xạ thì có khả năng chữa khỏi bệnh được không? (Moc, 29 tuổi, Hà Nội)

– BS Lê Văn Hiền: Ung tư cổ tử cung đã xâm lấn đến 1/2 tử cung là ung thư giai đoạn 1B trở lên, điều trị bệnh bao gồm phẫu thuật và xạ trị thường tiên lượng sống 5 năm là 80%.

– Tôi muốn hỏi nếu phụ nữ từ 20 tuổi trở lên đã quan hệ tình dục thì tiêm văcxin phòng bệnh ung thư cổ tử cung còn có tác dụng nữa không? Hiện nay tôi 21 tuổi, nếu vẫn còn tác dụng thì tác dụng có cao không? Xin cảm ơn. (Hoa, 21 tuổi, Hà Nội)

– Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn: Khoa học đã chứng minh kháng thể chống lại HPV trong những trường hợp nhiễm tự nhiên (do có quan hệ tình dục trước đó…) sẽ không đủ để bảo vệ sau này. Do đó việc tiêm ngừa cho những đối tượng đã từng có nguy cơ nhiễm HPV trước đây là cần thiết vì kháng thể sinh ra do tiêm ngừa sẽ đủ sức để bảo vệ cơ thể của bạn. Trong trường hợp của bạn việc tiêm ngừa là cần thiết. Song song đó, bạn cũng cần đi khám phụ khoa định kỳ để các bác sĩ sẽ theo dõi và tầm soát sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn