Trẻ bị cảm cúm vào mùa hè: trường hợp nào nguy hiểm cần nhập viện ngay?

Mùa hè với đặc trưng thời tiết hanh khô dễ khiến trẻ bị bệnh. Trong đó có nhiều trẻ bị cảm cúm vào mùa hè. Trong đó có những trường hợp nguy hiểm mà mẹ nên hết sức lưu ý.

Mùa hè với thời tiết oi bức, khó chịu, là chất xúc tác lớn dẫn đến việc vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, gây nên bệnh cảm cúm ở trẻ nhỏ. Tuy vậy, trẻ bị cảm cúm vào mùa hè có thể điều trị tại nhà. Nhưng cũng có trường hợp nguy hiểm cần phải cho trẻ nhập viện. Vậy đó là những trường hợp nào?

Nguyên nhân gây cảm cúm

Cảm cúm là bệnh đường hô hấp trên, bệnh thường do virus gây ra, có nhiều loại virus có thể gây cảm cúm. Chính vì vậy, trẻ vẫn có thể mắc cảm cúm nhiều lần trong năm.

Thông thường, cảm cúm lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh có virus ở bàn tay do tiếp xúc với chất tiết ở mắt và mũi, sau đó có thể lây cho người khác ít nhất trong vòng 2 giờ. Ngoài ra, cảm cúm lây nhiễm gián tiếp qua đồ dùng trong nhà, một số virus có thể sống lâu nhiều ngày trên bề mặt các vật dụng trong nhà như nắm khóa cửa, đồ chơi.

Bệnh còn lây nhiễm khi trẻ hít phải virus trong không khí, vì người mắc bệnh có thể thải virus ra môi trường qua các giọt nước từ dịch mũi khi thở, ho, hắt hơi.

Dấu hiệu nhận biết cảm cúm ở trẻ

Triệu chứng thường xuất hiện sau 1 – 2 ngày tiếp xúc với nguồn lây, sau đó trẻ mắc cảm cúm có các biểu hiện như: Sung huyết mũi với các triệu chứng nổi bật như nghẹt mũi, có thể có sổ mũi trong, vàng hay xanh. Trẻ sốt thường trên 38 độ C trong 3 ngày đầu.

Ngoài ra, còn các triệu chứng khác như:

  • Đau họng, ho
  • Quấy khóc, khó ngủ
  • Chán ăn
  • Niêm mạc mũi sưng đỏ
  • Hạch cổ có thể to nhẹ.

Triệu chứng cảm cúm thường nặng nhất trong vòng 10 ngày đầu. Cũng không ít các trường hợp đợt cảm cúm này vừa lui chưa kịp dứt thì đã bị đợt bệnh cảm cúm khác, dễ dẫn đến lầm tưởng rằng đợt bệnh kéo dài cả tháng.

Những sai lầm cần tránh khi chăm sóc trẻ bị cảm cúm mùa hè

1.Trẻ mắc cảm cúm chỉ cần uống thuốc điều trị

Khi trẻ mắc cảm cúm có các biểu hiện tăng nhiệt độ, ho… nên nhiều cha mẹ tự mua thuốc điều trị các triệu chứng mà không cần kê theo đơn. Tuy nhiên, những loại thuốc này chỉ để điều trị triệu chứng của cảm cúm và thậm chí còn không có hiệu quả, có một số thuốc chống chỉ định với trẻ dưới 6 tuổi. Nếu tự ý sử dụng nhiều thuốc sẽ gây nên tác dụng phụ và ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển thể chất của trẻ em. Chính vì vậy, khi trẻ mắc cảm cúm không tự ý mua thuốc điều trị.

2. Trẻ cảm cúm không cần chăm sóc quá kỹ

Nhiều cha mẹ cho rằng cảm cúm không nghiêm trọng nên trẻ mắc cũng không cần chăm sóc quá kỹ, điều này không hẳn đúng. Bệnh nhân bị cảm cúm cần được nghỉ ngơi, không đi ra chỗ đông người, không đi học, cần thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió, tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, không nên cho trẻ nằm phòng máy lạnh vì sẽ khiến bệnh cảm cúm khó thuyên giảm và làm cho các triệu chứng khan cổ, khàn tiếng trầm trọng thêm.

Hàng ngày nhỏ dung dịch nước muối sinh lý vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn. Giúp trẻ tăng cường sức đề kháng để mau khỏi bệnh cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, ấm, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như cháo, súp dinh dưỡng, sữa nóng…

3. Trẻ mắc cảm cúm không sốt

Nhiều cha mẹ cho rằng cảm cúm khiến trẻ ngạt mũi, ho, trẻ mệt mỏi khó chịu chứ không sốt, không phải đo nhiệt độ, điều này không hẳn đúng. Thực tế cho thấy cảm cúm là một bệnh rất thường gặp gây ra bởi virus, một trong những triệu chứng cơ bản của cúm là sốt. Lúc này, cơ thể sẽ gia tăng nhiệt độ để chống lại sự tấn công của virus cúm, trẻ em có thể dùng thuốc hạ sốt để hạ nhiệt cho cơ thể.

Thông thường có thể kể đến những loại thuốc như Paracetamol, Ibuprofen… liều lượng theo hướng dẫn cụ thể của các bác sĩ hoặc phụ thuộc vào chiều cao, cân nặng của trẻ. Lưu ý, không sử dụng thuốc hạ sốt Aspirin vì thuốc có thể gây tác dụng phụ không mong muốn đặc biệt nghiêm trọng với trẻ dưới 19 tuổi.

4. Trẻ mắc cảm cúm không cần nhập viện

Nhiều cha mẹ chủ quan nghĩ cảm cúm thông thường không có gì nghiêm trọng và bệnh lai rai thôi, không đáng phải đi khám. Tuy nhiên, không hẳn đúng, cảm cúm có thể tự khỏi nếu chăm sóc đúng, nhưng nếu sau 7 ngày vẫn còn sốt hoặc bị tái sốt, các triệu chứng cảm cúm không đỡ mà còn nặng lên, thì cha mẹ nên mau chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Bởi nếu để lâu hơn, cúm có thể dẫn đến các biến chứng như: Viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phổi…

Đặc biệt, khi trẻ sốt cao (trên 38,5 độ C) kéo dài trong vòng 48 giờ không hạ, dù đã áp dụng các biện pháp hạ sốt tại nhà, thì cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời. Tình trạng sốt cao liên miên trong thời gian dài có thể dẫn đến co giật, thậm chí tử vong.

Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh cảm cúm ở trẻ

Thực tế cho thấy, trẻ mắc cảm cúm chỉ có ho và mệt mỏi có thể kéo dài. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng sẽ có biến chứng nguy hiểm như: Viêm não; Viêm phổi; Viêm cơ tim; Suy hô hấp…

Theo nghiên cứu, khoảng 5 – 15% trẻ bị cảm cúm có biến chứng viêm tai do siêu vi hay do vi trùng. Trẻ bị sốt sau 3 ngày bị cảm, có triệu chứng đau tai, chảy mủ tai.

Cảm cúm cũng có thể gây triệu chứng khò khè ở trẻ chưa từng bị khò khè, hay làm cho trẻ đã từng bị suyễn khởi phát cơn suyễn. Nếu sau 14 ngày mà triệu chứng cảm chưa bớt thì phải coi chừng trẻ dễ bị viêm xoang… Trường hợp nặng nhất có thể dẫn tới tử vong ở những trẻ mắc bệnh lý mãn tính về hô hấp, tim, mất quá nhiều muối và nước nên cơ thể suy kiệt.

Cách chăm sóc trẻ bị cảm cúm mùa hè tại nhà

Khi bị cúm, cơ thể mất nước, trẻ thường có một số biểu hiện như: Sốt, ớn lạnh, khát nước, đi tiểu ít…

Nhiều trường hợp cúm, trẻ bị sốt cao, cơ thể sẽ sinh ra phản ứng tự vệ bằng cách hạ nhiệt độ cơ thể để cân bằng lại, bằng một số cách như: Toát mồ hôi, thở gấp, tốc độ bốc hơi nước nhanh tăng lên… Khi ấy, điều cần làm nhất chính là bổ sung đủ nước để cân bằng lại lượng nước cơ thể bị thất thoát.

Cha mẹ nên khuyến khích trẻ uống đủ nước, đặc biệt là nước ấm khi trẻ bị cảm cúm sổ mũi. Bởi nước ấm không chỉ có tác dụng bù nước mà còn giúp làm loãng đờm nhầy, khiến đờm nhầy ở cổ họng trôi xuống dạ dày. Các vi khuẩn, virus trong đờm sẽ bị tiêu diệt ngay sau đó bởi acid dịch vị. Nhờ đó, trẻ long đờm, giảm ho, mau khỏi bệnh.

Hằng ngày cần vệ sinh mũi miệng bằng cách dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. (Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ vi rút vẫn bám lại trên khăn.).

Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Đối với các trẻ đang bú mẹ thì nên cho trẻ bú nhiều hơn. Cho trẻ uống đủ nước. Tăng cường các thực phẩm dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất như rau củ, hoa quả tươi trong mỗi bữa ăn.

Phòng bệnh trẻ bị cảm cúm vào mùa hè

Dự phòng là phương pháp hữu hiệu nhất giúp trẻ sống khỏe và phát triển tốt, tránh được những bệnh truyền nhiễm trong đó có cảm cúm. Trẻ tiêm vaccine phòng cúm định kỳ cũng là một biện pháp hiệu quả để phòng chống dịch cúm. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ với các món ăn giàu dưỡng chất. Không nên cho trẻ vui chơi ngoài nắng gắt. Nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên để phòng bệnh.

Nguồn : bau.vn