Trung thu truyền thống: đồ chơi, nếp chơi cũ gắn liền với ý thức bảo vệ môi trường

Giữa muôn vàn đồ chơi hiện đại, đồ chơi nhập nhiều màu sắc và hấp dẫn thì bạn vẫn có thể lựa chọn đồ chơi trung thu truyền thống.

Những ngày cận kề của dịp trung thu, phố Hàng Mã luôn thu hút từ những bạn nhỏ đến người lớn tuổi đến nơi đây để tìm một món đồ trung thu ưng ý cho trẻ con. Những chiếc đèn ông sao, đèn cù, mặt nạ giấy,… vẫn nằm ở vị trí đó nhưng nhiều người chẳng còn nhớ đến. Mà khi đến đêm rằm, ánh trăng soi chiếu những món đồ truyền thống lại thu hút nhiều người đến kì lạ. Và rồi từ đó, người ta giật mình và tự hỏi: “Tại sao chúng ta lại lãng quên món đồ đáng yêu như vậy?”

Mấy năm gần đây, Trung thu đã bớt đi nhiều những loại đồ chơi nước ngoài, đèn lồng, những loại mặt nạ xa lạ. Năm nay, những món đồ truyền thống lên ngôi khi người dân muốn trở lại cái cảm giác của Trung thu xưa. Đi khắp khu phố cổ, những món đồ chơi truyền thống lên ngôi và lấy lại được “vị thế” của chính mình. Và đặc biệt, đồ chơi Trung thu thân thiện với môi trường được nhiều các bạn trẻ hưởng ứng rất nhiều. Thay vì việc sử dụng giấy bóng kính nhiều màu rồi giấy nilon thì những người nghệ nhân lại làm nên món đồ chơi truyền thống nhưng thân thiện với môi trường. Một cách lựa chọn đẹp, cho một ngày lễ đẹp của mùa thu phải không?

Trung thu truyền thống ở Việt Nam vốn được nhắc đến với những món đồ chơi giản dị nhưng đầy màu sắc. Giữa cuộc sống phát triển, đồ chơi hiện đại cầu kỳ và đắt tiền – thì vẻ đẹp của đồ chơi truyền thống vẫn chiếm trọn một phần nào đó trong lòng người dân Việt Nam. Nhất là khi, bàn tay người nghệ sĩ họa vào những món đồ chơi để có một tác phẩm tuyệt vời cho đêm hội trăng Rằm của các bạn nhỏ.

Những năm gần đây, người trẻ dần quen hơn với đồ chơi truyền thống chất lượng cao. Cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ biết nhìn nhận và trân trọng giá trị của mỗi sản phẩm hơn rất nhiều.

Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong ngày Trung thu nằm ở điều đặc biệt mà mọi người không ngờ tới: Những món đồ chơi truyền thống và ý thức bảo vệ môi trường của người trẻ ngày càng cao. Những chiếc súng nhựa, mặt nạ nhựa hay giấy bóng kính sẽ để lại cho môi trường chất cao là rác thải. Lũ trẻ tìm về Trung thu ngày xưa như tìm kiếm về một làng quê bình yên, nơi chúng có thể sử dụng giấy bồi để làm những món đồ trung thu thay vì đồ chơi hiện đại ngày nay.

Ngồi bên nhau mỗi dịp Trung thu, ngắm nhìn lũ trẻ con chạy xung quanh cùng những món đồ chơi, kỉ niệm ngày xưa lại ùa về. Khi Trung thu xưa, đám trẻ con cùng nhau rước đèn và ngân nga bài hát “Chiếc đèn ông sao” xung quanh xóm làng. Tạo nên bầu không khí của đêm Rằm thật vui tươi, nhiều đứa trẻ nhà không có điều kiện chỉ góp tiền chơi chung một chiếc đèn ông sao hay đục hộp xà bông và cắm nên vào trong đó để làm nên một chiếc đèn không giống ai.

Những người trẻ giữ gìn giá trị truyền thống của Trung thu, họ hiểu được trách nhiệm trong việc vừa truyền đi thông điệp của quá khứ vừa nhắc nhở cộng đồng về thông điệp thời hiện đại.

Đi dạo trên những con phố mùa Trung thu khiến mọi người bồi hồi về ngày xưa. Ai đó mang mùa thu Hà Nội cùng những chiếc bánh nướng, bánh dẻo, vài quả hồng ngâm, gói cốm thơm mùi lá sen và vài con giống tạo nên từ hoa quả. Tất cả những điều đó thôi có thể làm nên một Trung thu tuyệt vời.

Đồ chơi truyền thống len lỏi vào cuộc sống hiện đại chật vật và khó khăn đến vậy nhưng cuối cùng cũng tìm được chỗ đứng khi người ta hiểu rằng: Không phải những điều xưa cũ cũng xấu xí, và những điều người trẻ đang hướng tới về sống xanh, sống tối giản, biết trân trọng cuộc sống – tất cả kỳ thực đều thuộc về quá khứ.

Trung thu này, hãy dành thời gian quây quần bên gia đình. Mời nhau miếng bánh, tách trà và tận hưởng mùi thơm của cốm làng Vòng. Rồi cùng nhau nhìn lũ trẻ cầm những món đồ Trung thu nô đùa có phải vui hơn không?

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng