Trong những năm gần đây, thrifting – hay còn gọi là “săn đồ si” – đã trở thành một xu hướng tiêu dùng phổ biến trong giới trẻ. Không chỉ đơn thuần là một cách mua sắm tiết kiệm, thrifting còn phản ánh cá tính, gu thẩm mỹ và cả ý thức về môi trường của thế hệ trẻ như một cách thể hiện câu chuyện của giới trẻ đối với thời trang. Với sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng mua bán trực tuyến, văn hóa này ngày càng mở rộng và được tiếp cận từ những góc độ mới mẻ.
Điểm thu hút đầu tiên của thrifting nằm ở tính độc đáo của sản phẩm. Thay vì chạy theo các xu hướng thời trang nhanh, các phong cách thời trang thịnh hành nhưng mang tính tạm thời, giới trẻ tìm đến đồ si như một cách để thể hiện phong cách cá nhân.
Thời trang vốn dĩ luôn xoay vòng, nhưng thrifting không chỉ mang những xu hướng cũ trở lại mà còn tái định nghĩa cách chúng ta tiêu dùng. Trong khi trước đây, chuẩn mực thời trang gắn liền với những bộ sưu tập xa xỉ, những chiếc túi “It Bag” đắt đỏ hay những bộ cánh từ các nhà mốt hàng đầu, thì giờ đây, giới trẻ đang tự đặt ra quy tắc mới: độc nhất, bền vững và không chạy theo số đông.
Những món đồ vintage từ các thập niên trước, áo khoác denim, túi xách da hay quần áo mang hơi hướng retro giúp người mặc tạo nên dấu ấn riêng biệt, không trộn lẫn. Bên cạnh đó, việc săn được một món đồ hiếm với mức giá rẻ cũng mang lại cảm giác thích thú, như một cuộc “săn kho báu” đầy bất ngờ, ví dụ như săn hay kiếm được một chiếc túi xách đến từ những thương hiệu xa xỉ như LV, Vivienne Westwood, Channel, Dior, v.v..
Theo dữ liệu từ Statista, thị trường thời trang second-hand toàn cầu dự kiến đạt 351 tỷ USD vào năm 2027, tăng gần gấp đôi so với 177 tỷ USD vào năm 2023. Còn tại Việt Nam, báo cáo của RedSeer Strategy Consultants dự đoán thị trường đồ cũ sẽ tăng trưởng gấp ba lần, từ 1,1 tỷ USD lên đến 5,1 tỷ USD trước năm 2026.
Achim Berg, cố vấn về thời trang và hàng xa xỉ của McKinsey, nhận định: “Thị trường thời trang second-hand toàn cầu đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2017 và dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu nhờ nhu cầu của thế hệ trẻ”.
Xu hướng thrifting không chỉ dừng lại ở phong trào nhất thời mà đang được các chuyên gia đánh giá là một phần của tương lai thời trang bền vững. Hơn thế nữa, thrifting đã tạo ra một cộng đồng thời trang phi truyền thống, nơi mỗi cá nhân có thể thể hiện phong cách không bị ràng buộc bởi mác giá hay xu hướng đại chúng.
Ngoài yếu tố thời trang, thrifting còn gắn liền với ý thức bảo vệ môi trường của giới trẻ. Trong bối cảnh ngành công nghiệp thời trang nhanh đang bị chỉ trích vì gây ô nhiễm và lãng phí tài nguyên, việc mua đồ si trở thành một giải pháp bền vững. Thay vì mua sắm liên tục và thải bỏ quần áo chỉ sau vài lần sử dụng. Giới trẻ lựa chọn tái sử dụng, sửa chữa và biến tấu trang phục cũ để kéo dài vòng đời sản phẩm cũng như nâng tầm sản phẩm phù hợp với phong cách bản thân. Điều này không chỉ giúp giảm lượng rác thải mà còn thay đổi nhận thức về giá trị của thời trang.
Mặt khác, sự phát triển của các cửa hàng đồ si, từ những phiên chợ truyền thống đến những cửa hàng theo phong cách boutique, cũng góp phần đưa thrifting trở thành một phần của đời sống hiện đại. Thậm chí, nhiều bạn trẻ đã tận dụng xu hướng này để kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội. Nhờ đó, việc tiếp cận với quần áo second-hand trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, đồng thời giúp cộng đồng yêu thích thrifting có thêm nhiều lựa chọn.
Nguồn : bau.vn