Ba mẹ cần tránh điều gì khi giải thích “chuyện ấy” cho trẻ

Trẻ tò mò là chuyện dĩ nhiên và giải thích "chuyện ấy" cho trẻ là trách nhiệm của ba mẹ. Trong quá trình này, nhớ tránh những sai lầm sau đây ba mẹ ơi!

Sức khỏe sinh sản, tình dục là những chủ đề nhiều phụ huynh né tránh khi dạy con. Khi giải thích “chuyện ấy” cho trẻ, ba mẹ có biết mình cần lưu ý điều gì không?

Vì sao cha mẹ cần giải thích “chuyện ấy” cho trẻ ?

Theo các bác sĩ tâm lý, giải thích “chuyện ấy” cho trẻ là phần quan trọng trong hành trình nuôi dưỡng con trưởng thành. Tất cả trẻ nhỏ đều có sự tò mò, mong muốn hiểu rõ về cơ thể và cách các bé được tạo ra.

Do đó, cha mẹ cần trung thực và cởi mở khi trò chuyện với con. Nếu bạn nói về vấn đề tình dục vào thời điểm con còn nhỏ, các bé sẽ học được cách tin tưởng cha mẹ và dễ trò chuyện hơn khi con cần lời khuyên, tư vấn.


Nếu trẻ tự tìm hiểu các thông tin về giới tính, sức khỏe sinh sản qua những thông tin tràn lan trên mạng có thể dẫn đến quan điểm lệch lạc. 

Với sự phát triển của công nghệ và Internet, các câu hỏi về giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản sẽ nảy ra rất sớm trong đầu trẻ. Thời điểm này rất quan trọng. Cha mẹ cần có cách giáo dục phù hợp để con hiểu rõ, đúng và cảm thấy tin tưởng khi chia sẻ với người lớn.

Sai lầm khi ba mẹ giải thích “chuyện ấy” cho trẻ

Chỉ nên nói về “chuyện ấy” khi trẻ đủ lớn:

Một số phụ huynh chia sẻ rằng họ chưa nói chuyện với con về tình dục vì trẻ chưa quan hệ tình dục. Tuy nhiên, những cuộc trò chuyện cần bắt đầu sớm.

Khi còn nhỏ, cha mẹ thường dắt tay con qua đường, dạy chúng cẩn trọng và tăng dần tính tự lập trong các hoạt động hàng ngày. “Chuyện ấy” cũng vậy. Trẻ cần thời gian học hỏi và thấu hiểu từ từ để có thể tự quyết định tính đúng, sai về cơ thể hay trong một mối quan hệ nào đó.

Trẻ tò mò về cơ thể và giới tính ngày càng sớm

Phụ huynh không nên đợi con ở giai đoạn vị thành niên (khoảng 15 tuổi) mới bắt đầu có những cuộc trò chuyện về tình dục. Nguyên nhân là trước khi cơ thể thay đổi, con cần hiểu điều gì sẽ xảy ra và như thế nào. Thay vì để con lạc trong ma trận thông tin và có thể nhầm đường, chúng ta nên chủ động cho con những gì trẻ cần một cách chọn lọc.

Nói nhiều hơn lắng nghe:

Trước khi trò chuyện với trẻ, phụ huynh cần hiểu rõ con có thái độ và quan điểm như thế nào về vấn đề này. Nhiều cha mẹ cho rằng bản thân không có nhiều kỹ năng hay kiến thức về vấn đề này nên ngại ngùng mỗi lần trò chuyện cùng trẻ. Các chuyên gia cho rằng phụ huynh không cần phải là người hoàn hảo hay biết rõ mọi câu trả lời. Điều quan trọng là bạn cho trẻ thấy cha mẹ sẽ sẵn sàng giải đáp và tìm hiểu cùng con.

Hãy sử dụng hình thức mẹ và con cùng viết nhật ký chung để nói chuyện về giới tính

Thay vì phải chia sẻ ngại ngùng với con, mẹ và con có thể cùng nhau viết chung một cuốn nhật ký, gọi là nhật ký gia đình – nơi sẽ chia sẻ những câu chuyện mà trẻ ngại nói ra. Lắng nghe con cũng có thật nhiều cách để lắng nghe, ba mẹ cùng kiên nhẫn nhé.

Không chia sẻ về quyền, trách nhiệm và những rủi ro:

Mục đích cuối cùng của những cuộc trò chuyện giới tính là dạy trẻ kiến thức và cách bảo vệ bản thân.

Trên thực tế, những gì bạn truyền đạt cho con sẽ tác động đến cách trẻ hiểu về tình dục, giới tính. Do đó, hãy cố gắng lồng ghép cho trẻ những ghi nhớ để bảo vệ sức khỏe sinh sản, giữ vệ sinh cá nhân khi dậy thì.

Đặc biệt, con cần hiểu một số nguyên tắc như không được để người khác giới chạm vào cơ thể, phản ứng ra sao nếu có ai đó cố tình xâm phạm. Nhiều trẻ không dám chia sẻ với cha mẹ khi bị xâm hại vì xấu hổ và không tin tưởng. Cha mẹ cần là người lắng nghe, tạo dựng cho con niềm tin và chú ý tới từng thay đổi nhỏ để bảo vệ trẻ khỏi những tác động xấu.

Giải thích “chuyện ấy” cho trẻ luôn là nỗi ngại ngùng lớn nhất khó vượt qua của các ba mẹ. Nhưng nuôi con ở thời hiện đại, cha mạ thông thái cũng nên thay đổi ngay nhận thức và giúp con hiểu biết kịp lúc nhất nhé.

Nguồn : Sức khoẻ cộng đồng