Dây rốn bám màng: Biến chứng thai kỳ không nên xem nhẹ

Dây rốn bám màng là tình trạng bất thường về dây rốn khá hiếm gặp và cần được theo dõi sát sao trong suốt thai kỳ.

Trong thai kỳ, dây rốn đóng vai trò vô cùng quan trọng làm nhiệm vụ kết nối thai nhi với nhau thai. Do vậy, bất kỳ sự bất thường nào xảy ra giữa việc gắn kết của dây rốn và nhau thai đều có thể khiến thai kỳ có nguy cơ gặp phải biến chứng cao hơn.

Dây rốn bám màng là gì?

Trong một thai kỳ bình thường, các mạch máu của thai nhi chạy qua dây rốn kết nối trực tiếp vào giữa nhau thai của mẹ. Dây rốn bám màng là khi dây rốn của thai nhi chèn bất thường vào rìa của bánh nhau dọc theo màng nhau – ối, khiến các mạch máu của thai nhi phải hoạt động mà không có sự bảo vệ của nhau thai cho đến khi chúng kết nối với nhau tại dây rốn.

Biến chứng mang thai không phổ biến này xảy ra ở khoảng 1% các trường hợp mang thai đơn và 15% các trường hợp mang thai đôi.

Hiện vẫn chưa có giải thích rõ ràng vì sao dây rốn bám màng lại xảy ra. Mặt khác, bạn sẽ cần quan tâm đến tình trạng này một cách kỹ lưỡng để hạn chế nguy cơ xấu ảnh hưởng đến bé yêu.

Chẩn đoán dây rốn bám màng

Bác sĩ có thể có chẩn đoán tình trạng dây rốn bám màng dựa trên hình ảnh siêu âm của nhau thai và dây rốn trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Một số trường hợp tình trạng này có thể được phát hiện khi mẹ bầu tiến hành siêu âm thai 3 tháng đầu.

Ai có nguy cơ mắc phải tình trạng này?

Mẹ bầu có nguy cơ mắc phải tình trạng này khi có một trong các yếu tố sau:

– Mẹ bầu gặp phải tình trạng nhau tiền đạo hoặc mạch máu tiền đạo có nguy cơ gặp phải hiện tượng nhau bám màng cao hơn so với bình thường

– Các bà mẹ mang song thai có chung màng đệm cũng có nhiều nguy cơ

– Một số nghiên cứu cho thấy biến chứng này có thể phổ biến hơn đối với các trường hợp thai thụ tinh trong ống nghiệm

– Mang thai khi đã lớn tuổi có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này.

Dây rốn bám màng và những biến chứng có thể xảy ra?

Các biến chứng do dây rốn bám màng khá hiếm khi xảy ra nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện, chúng bao gồm:

– Nén hoặc vỡ mạch máu cuống rốn: Tình trạng dây rốn bám màng khiến các mạch máu cuống rốn không được bảo vệ khiến chúng có nguy cơ bị nén hoặc vỡ cao hơn. Điều này đặc biệt dễ xuất hiện khi các mạch này nằm gần cổ tử cung.

– Mổ lấy thai: Trường hợp dây rốn bị vỡ trong khi chuyển dạ làm gia tăng nguy cơ, mẹ bầu cần phải mổ lấy thai khẩn cấp.

– Xuất huyết khi chuyển dạ: Nếu mắc phải tình trạng dây rốn bám màng, bạn có thể gặp phải vấn đề về xuất huyết khi chuyển dạ.

Dây rốn bám màng có ảnh hưởng đến thai nhi không?

May mắn thay, mức độ ảnh hưởng của nguy cơ biến chứng thai kỳ này chỉ có thể làm tổn thương thai nhi ở mức rất thấp dù tình trạng dây rốn bất thường này làm tăng nguy cơ sinh non, chỉ số Apgar thấp và trẻ sơ sinh khi ra đời cần phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Các biện pháp ngăn ngừa dây rốn bám màng

Hiện nay vẫn chưa có biện pháp để ngăn ngừa bởi đây là tình trạng xảy ra mà không có lý do rõ ràng trong quá trình phát triển của thai nhi.

Những điều mà bạn có thể làm là phát hiện càng sớm càng tốt thông qua việc khám thai định kỳ và siêu âm thai nhằm có những biện pháp theo dõi kịp thời.

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng