Giai đoạn tập bốc trong ăn dặm tự chỉ huy (BLW phần 5)

Bau.vn - Bài viết ngày hôm nay Bầu sẽ giới thiệu đến ba mẹ một cách đầy đủ nhất về giai đoạn tập bốc của trẻ khi bắt đầu ăn dặm tự chỉ huy. Tuy là bước đầu tiên nhưng lại là bước khó nhất vì em bé của bạn phải tập một kỹ năng quá mới mẻ, cùng kiên nhẫn với con nhé.

1. Những vấn đề bé phải làm quen

Ở giai đoạn này, em bé của bạn mới bắt đầu làm quen với đồ ăn nên còn vô cùng lóng ngóng. Bé có thể sẽ chưa tự cầm được miếng thức ăn từ đĩa lên đưa vào miệng, hoặc vô tình bóp nát chúng, hoặc bé sẽ đút nhầm lên mũi xuống cằm…

Sau khi đã có thể đưa được đồ ăn vào miệng, tình huống khác lại xảy ra như bé nhét quá nhiều thứ vào miệng một lúc hay cắn miếng quá to và không thể nuốt dẫn đến oẹ.

Đó gần như là tất cả những trường hợp có thể xảy ra khi bắt đầu ăn dặm BLW. Các tài liệu đều nói rõ rằng giai đoạn làm quen này sẽ diễn ra trong khoảng 1- 2 tuần, mẹ đừng lo lắng quá.

Tình trạng con ọe khi bắt đầu ăn BLW 1 – 2 tuần là chuyện bình thường

2. Mẹ nên làm gì?

– Nếu vì một lý do nào đó mà bé khóc và không muốn tiếp tục ăn, hãy dừng ngay bữa ăn tại đó. Đừng cố dỗ dành hay nài nỉ con ăn thêm bất cứ thứ gì.

– Bé không chịu ngồi yên và đòi trèo ra khỏi ghế, hãy bế con ra và chấm dứt bữa ăn. Một vài lần như vậy, con sẽ hiểu không ngồi ngoan trong ghế, con sẽ không được ăn.

– Tắt ti vi, dọn dẹp đồ chơi xung quanh, người lớn không sử dụng điện thoại, hạn chế đi lại, nói chuyện, cười đùa và vị trí ngồi ăn của bé nên cố định.

– Chắc chắn bé sẽ rất bẩn và bừa bộn sau khi ăn nhưng hãy để bé thoả sức làm chủ và khám phá bữa ăn của mình.

3. Chế biến thức ăn giai đoạn này của bé

– Khi mới bắt đầu tập ăn, thức ăn của bé nên là các loại củ quả hấp chín vừa phải, không quá cứng để bé có thể nhai cắn bằng lợi; nhưng cũng không nên chín mềm, sẽ dễ bị nhũn hoặc nát vụn khi bé cầm lên.

– Nên hấp rau củ để giữ được giá trị dinh dưỡng tốt nhất cho bé. Tuy nhiên, cũng đừng quên những món chiên, xào vì bé cũng cần lượng dầu mỡ nhất định và nhất là bé cũng cần đổi món để bớt nhàm chán và quen với tất cả các cách chế biến.

– Không cần thiết phải chế biến nhiều món quá cầu kì vì vừa làm mất dinh dưỡng, thay đổi mùi vị gốc của món ăn mà cũng tốn khá nhiều thời gian và công sức của mẹ.

– Đồ ăn nên được cắt theo dạng que để bé dễ cầm nắm nhất, nên sử dụng dao lượn sóng để cắt, tăng độ ma sát, giúp bé cầm nắm dễ dàng hơn. Kích thước phù hợp là to hơn 1 ngón tay người lớn và dài khoảng 5 – 7 cm hoặc có thể thử một số hình dạng khác để tăng phần kích thích cho bé như hình tròn, hình chữ V.

Chế biến thức ăn thành dạng dài để bé dễ cầm

– Đồ ăn nên để trực tiếp trên bàn ăn của bé, không nhất thiết phải sử dụng bát đĩa, tránh để bé bị phân tâm.

– Thức ăn nên được đưa xen kẽ cho bé để bé nếm và tự lựa chọn món bé muốn ăn cũng như khẩu phần bé sẽ ăn.

4. Thực đơn những món ăn bốc đầu tiên phù hợp với bé

Thực đơn ăn dặm BLW cho bé trong giai đoạn tập bốc

– Rau củ: cà rốt, đậu đỗ, ngô bao tử, súp lơ, củ cải, su hào, cà tím, bí xanh, măng tây, su su, ớt chuông, cà chua bi, quả lặc lày, bí ngòi…. Mẹ có thể hấp/ luộc/ nướng/ chiên,xào để thay đổi khẩu vị cho bé.

– Thịt: thịt gà hấp, thịt lợn luộc (cắt miếng to dài ngang thớ cho bé nhai dập và mút nước), thịt bò xào dứa sẽ mềm hơn cho bé. Các món nên cho bé ăn khi bé được 7 tháng. Tôm có thể hấp hoặc làm ruốc. Cá rán, tẩm bột chiên, làm chả cá…

– Tinh bột: Bánh mì hoặc nui. Bánh mì cắt miếng dài, phết bơ (bơ nhạt không muối), có thể nướng qua để bơ ngấm và miếng bánh mì cứng hơn cho bé dễ cầm. Bánh mì chiên trứng, cũng cắt miếng dài tẩm qua trứng đã đánh nhuyễn rồi chiên với bơ. Nui luộc hoặc chiên bơ (bơ nhạt không muối).

– Trứng: bỏ lòng trắng, vắt 1 ít sữa mẹ, đánh nhuyễn và tráng hoặc trứng trưng cà chua.

– Hoa quả: Chuối, táo, lê, xoài, kiwi, cherry, đu đủ, thanh long, quả bơ, nho…

Bầu lưu ý với ba mẹ, tinh thần của BLW là không ép con ăn. Đừng để con ám ảnh ngay từ giai đoạn tập ăn đầu tiên ba mẹ nhé.

Hà An

Nguồn: http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/giai-doan-tap-boc-trong-an-dam-tu-chi-huy-blw-phan-5-a176746.html

Nguồn : bau.vn