Bắt đầu từ ý tưởng tái chế đồ cũ…
Chị Phan Lan Hương, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em thuôc Hội Liên hiệp Khoa học Kĩ thuật Việt Nam, bộ Khoa học Công nghệ cho biết ý tưởng tái chế đồ cũ thực ra đã có từ rất lâu rồi. Chị nhận thấy rằng đồ chơi của trẻ con có vòng đời khá ngắn bởi có những món các bé chỉ chơi trong một chốc lát , nhiều khi là 1,2 ngày thôi là đã chán và bỏ đi. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng tái chế lại thì rất có thể “cũ người mới ta”, nó vẫn sẽ trở thành thứ mới lạ với một bạn nhỏ khác. Ví dụ một chiếc ô tô này bị thiếu 1 bánh, cái ô tô kia lại mất một cánh cửa thì chúng ta có thể tận dụng để lắp ráp lại với nhau để trở thành một đồ chơi mới có ích.
Chính vì thế đây là lý do khiến chị thành lập Trung tâm, đặc biệt chị muốn hướng đến trẻ tự kỷ bởi đối với chị: Không một ai là không có giá trị cả và nếu được định hướng tốt, trẻ tự kỷ cũng có thể trở nên có ích cho xã hội.
…đến hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển
Xuất phát từ những lo lắng, trăn trở của các bậc phụ huynh có con là trẻ tự kỷ rằng sau này khi bố mẹ già yếu đi, không thể theo kịp các bạn nữa thì “các bạn sẽ là ai, sẽ như thế nào?”. Từ đó, chị Hương cùng Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em đã cho ra đời dự án “Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển”.
Sau 3 năm hoạt động, dự án đang dần được cộng động và giới truyền chú ý và đánh giá cao; các bậc phụ huynh cũng rất tin tưởng và ghi nhận sự cố gắng từng ngày của dự án. Ngoài vẽ tranh và trang trí nội thất thì trung tâm cũng có dạy các bạn sử dụng hội hoa để làm những công việc khác, ví dụ như là vẽ trang trí túi vải, sử dụng vải tái chế để làm những bìa sổ bằng vải handmade và nơ hoa để buộc tóc hoặc tái chế các chai lọ nhựa, các vỏ hộp sữa để trồng cây cảnh mini văn phòng.
Mặc dù có rất nhiều khiếm khuyết so với các bạn khác, thậm chí có những người không thể chấp nhận khiếm khuyết của các em. Tuy nhiên, phải nhìn vào những gì cụ thể, những việc các em đã làm được, những đam mê của các em thì mọi người mới thực sự thấy được những giá trị rất to lớn. Giống như câu slogan tại Tiệm của VIP, nơi bán sản phẩm của các em “Chúng tôi muốn mọi người biết rằng, giá trị của chúng tôi không nằm trên những khiếm khuyết mà chúng tôi có, giá trị của chúng tôi nằm trên những đam mê và cống hiến cho xã hội”.
Theo chị Lan Hương “Thực ra các bạn tự kỷ, các bạn chậm phát triển hay là những bạn bình thường thì cũng đều như nhau cả thôi, các bạn đều cần được dạy dỗ một cách cẩn thận và chi tiết”. Thông qua quá trình làm đồ tái chế, trung tâm sẽ lồng ghép những bài học ý nghĩa kèm theo. Ví dụ như dạy các bạn cần phải biết tiết kiệm, những đồ chơi cũ mình không dùng nữa thì thay bỏ đi mình có thể đem rửa sạch, gom lại, tái chế và tặng cho người khác. Hoặc dạy cho các bạn về vấn đề tiết kiệm môi trường, cho các bạn hiểu được rác thải nhựa là một trong những lượng rác thải rất là lớn và có thể gây nguy hại đến môi trường như thế nào.
Hơn nữa tái chế cũng là một cách để các bạn nhỏ tự kỷ và chậm phát triển rèn luyện đôi tay khéo léo hơn, vận động tốt hơn và nâng cao khả năng sáng tạo hơn. Đặc biệt, công việc này sẽ khiến các em rời xa khỏi màn hình máy tính, điện thoại hay TV đi, bởi khi phụ thuộc quá nhiều vào những thiết bị điện tử cũng đồng nghĩa với việc sự phát triển của các bạn sẽ chậm lại hơn rất là nhiều.
Những câu chuyện đáng nhớ
Cuối năm 2019 Trung tâm đã mở một triển lãm và thu hút được rất nhiều các nhà chuyên môn về hội họa cũng như giới truyền thông đến để chia sẻ sự cố gắng của các bạn nhỏ tự kỷ và chậm phát triển. Khi ấy có một bạn nhỏ là trẻ tự kỷ điển hình, hầu như là bố mẹ và mọi người không để ý đến bạn, và cho là bạn sẽ chẳng làm được gì cả. Vì vậy, gia đình bạn nhỏ đó đưa bạn đến dự án cũng chỉ như một chỗ để trông trẻ thôi, hàng ngày bố mẹ ông bà cứ đưa đến ở cửa trung tâm thôi xong đi về, không hỏi han là con học như thế nào hay con có tiến bộ không tron suốt hơn 1 năm trời. Khi triển lãm mở ra thì trung tâm có gửi lời mời, nhưng gia đình không lên xem mà chỉ vội vàng rời đi. Khoảng tầm 10 ngày sau triển lãm, trung tâm đã mời được ông của bạn nhỏ lên xem triển lãm bạn ấy đã rất vui, dắt ông đi và chỉ từng bức tranh mình vẽ để giới thiệu cho ông nghe. Khi ông nhìn thấy tranh bạn vẽ ông rất ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Sau đó, ông đã ôm và nói với bạn rằng: “Con giỏi quá”. “Đấy chính là một sự thay đổi lớn trong nhận thức của họ về con mình rằng con mình đặc biệt, khác biệt với mọi người, có thể nhìn qua một góc độ thì đó là vô dụng. Tuy nhiên nếu biết cách rèn giũa và nâng cao khả năng thì các bạn trở thành những người đặc biệt, những người có ích. Chính những việc các bạn làm đã cho mọi người thấy các bạn hoàn toàn không phải vô giá trị nhưng cái giá trị đấy phải được bố mẹ, thầy cô và mọi người tìm được, phát triển, nâng lên và giúp các bạn ấy thể hiện ra bên ngoài.” – Chị Hương nói.
Còn có những bạn nhỏ khi mới đến với dự án, bạn hoàn toàn không phân biệt được màu và nét vẽ thì nguệch ngoạc như em bé. Nhưng chỉ sau một thời gian học, bạn đã dần bộc lộ tài năng hội hoa của mình. Cũng trong triển lãm năm 2019, một một bác họa sĩ đã đứng rất lâu trước bức tranh chân dung thầy giáo của bạn ấy vẽ. Bác nói rằng: “Thực sự tôi rất ngưỡng mộ bạn nhỏ này bởi trong hội họa màu xanh vốn là một màu rất khó dùng nhưng bạn ấy lại có thể vẽ được hẳn một bức chân dung hoàn toàn bằng màu xanh. Thật sự là rất tuyệt vời!”
Thông qua dự án “Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển”, hy vọng chị Lan Hương và các giáo viên sẽ giúp các bạn sớm hòa nhập với cộng đồng, khẳng định được chính bản thân: Mình có khiếm khuyết thật, mình là người thiệt thòi thật nhưng mà mình cũng có giá trị.
Nguồn : bau.vn
Tags: Sống Xanh - Thở Lành