Nguyên nhân khiến mẹ bầu dễ rụng tóc khi mang thai và cách khắc phục

Tình trạng rụng tóc khi mang thai do nhiều nguyên nhân gây ra. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự tự tin, vẻ ngoài của mẹ bầu. Do đó, việc đi tìm nguyên nhân và hướng khắc phục tình trạng rụng tóc khi mang thai sẽ rất hữu ích cho bạn.

Nguyên nhân gây rụng tóc khi mang thai

Các thủ phạm chính khiến tóc mẹ bầu mỏng dần bao gồm:

1. Thay đổi nội tiết tố

Nếu trải qua cảm giác căng thẳng trong thời gian dài, mẹ bầu có thể nhận thấy tóc dần trở nên mỏng và dễ gãy rụng hơn.

Tam cá nguyệt đầu tiên thường gây căng thẳng cho cơ thể bởi nội tiết tố dần thay đổi để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Tình trạng này sẽ tác động đến tóc. Vì vậy, thay vì rụng khoảng 100 sợi tóc trung bình mỗi ngày, bạn có thể mất đến 300 sợi.

Tình trạng rụng tóc do thay đổi nội tiết tố có thể không xảy ra ngay lập tức. Thay vào đó, mẹ bầu cần khoảng từ 2 đến 4 tháng mới có thể nhận thấy mái tóc đang dần mỏng đi. Tình trạng này thường không kéo dài hơn 6 tháng cũng như không gây ra rụng tóc vĩnh viễn.

2. Chế độ dinh dưỡng

Cơ thể mẹ bầu cần thêm nhiều chất dinh dưỡng trong thời gian mang thai. Nếu không bổ sung đủ protein, vitamin và khoáng chất, bạn có thể gặp phải hiện tượng rụng tóc. Thêm vào đó, việc hấp thụ dư thừa vitamin A sẽ gây ra tác dụng ngược và khiến tóc, da bị ảnh hưởng.

3. Yếu tố di truyền

Có thể bạn chưa biết nhưng thực ra rụng tóc cũng mang tính di truyền đấy. Điều này có nghĩa rằng nếu bố mẹ bạn từng gặp phải vấn đề này thì bạn cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Một số loại thuốc và liệu pháp điều trị sẽ hỗ trợ mẹ bầu điều trị tình trạng này.

4. Vấn đề sức khỏe

Các vấn đề về tuyến giáp

Các rối loạn tuyến giáp, như cường giáp (quá nhiều hormone tuyến giáp) hoặc suy giáp (quá ít hormone tuyến giáp) có thể khó phát hiện khi mang thai. Trong hai tình trạng trên, suy giáp thường phổ biến hơn, ảnh hưởng đến khoảng 2 hoặc 3 trong số 100 phụ nữ mang thai. Rụng tóc cùng với chuột rút, táo bón và kiệt sức là những triệu chứng của suy giáp mà mẹ bầu không nên bỏ qua.

Thiếu sắt

Tình trạng thiếu sắt xảy ra khi không có đủ tế bào hồng cầu để đưa oxy đến các mô khác nhau trong cơ thể. Tình trạng này có thể khiến tóc của mẹ bầu mỏng đi, mệt mỏi, tim đập không đều cùng nhiều triệu chứng khác. Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị thiếu máu do thiếu sắt, đặc biệt là nếu khoảng cách giữa 2 lần mang thai khá gần nhau, mang đa thai hoặc bị ốm nghén nặng.

Mặc dù tình trạng rụng tóc sẽ không kéo dài vĩnh viễn nhưng mái tóc của bạn cũng chưa thể giống như trước kia cho đến khi các nội tiết tố và nồng độ vitamin trong cơ thể trở lại mức bình thường.

Chấn thương da đầu

Đôi khi tình trạng rụng tóc không liên quan đến yếu tố mang thai. Nếu trong thời gian gần đây, bạn thực hiện một số phương pháp làm đẹp nhất định, chẳng hạn như uốn, duỗi tóc hoặc thậm chí buộc tóc quá chặt, tóc cũng có nguy cơ gãy rụng khá nhiều.

Kiểm soát tình trạng rụng tóc khi mang thai

Rụng tóc khi mang thai thường không cần đến các phương thức trị liệu nào quá đặc biệt. Tình trạng này sẽ dần giảm nhẹ và biến mất theo thời gian.

Ngoài ra, có một số cách để chăm sóc tóc và giảm thiểu tình trạng gãy rụng tóc bao gồm:

  • Tránh chải đầu quá mạnh
  • Chỉ nên chải tóc bằng lược răng thưa
  • Hạn chế những kiểu tóc như cột đuôi ngựa, búi tóc vì chúng có thể làm căng và dẫn đến rụng, gãy
  • Ăn nhiều trái cây và rau quả có chứa flavonoid và chất chống oxy hóa giúp bảo vệ nang tóc khỏi bị hư hại và kích thích mọc tóc.

Biện pháp cải thiện rụng tóc khi mang thai tại nhà

Nếu bạn đang tìm kiếm các biện pháp để cải thiện tình trạng rụng tóc, hãy thử làm theo những gợi ý sau nhé.

1. Dùng sản phẩm organic

Sử dụng các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ là một trong những cách tốt nhất để giảm rụng tóc do nhiễm trùng hoặc dị ứng của da đầu. Thêm vào đó, sản phẩm tự nhiên rất an toàn cho những người có làn da nhạy cảm.

2. Massage đầu bằng dầu

Việc xoa bóp da đầu bằng dầu ấm được cho là giúp kiểm soát tóc rụng một cách tự nhiên. Dầu dừa, dầu jojoba, dầu hạnh nhân và dầu ô liu nằm trong danh sách các loại dầu tốt nhất, giúp nuôi dưỡng cũng như bảo vệ mái tóc óng mượt.

3. Dùng gel nha đam

Chiết xuất lô hội có khả năng hỗ trợ bạn đối phó với hầu hết các rối loạn về da. Gel nha đam khi xoa bóp lên da đầu có thể giúp điều trị rụng tóc do khô và nhiễm trùng da đầu.

4. Nước cốt dừa

Một gợi ý khác cho bạn là massage đầu bằng nước cốt dừa tươi từ 10 – 15 phút và sau đó gội lại bằng nước sạch hoặc dầu gội thảo dược. Biện pháp này sẽ giúp nuôi dưỡng da đầu cũng như tóc từ gốc tới ngọn.

Chúc các mẹ bầu có một mái tóc chắc khoẻ!

Nguồn : Sức Khoẻ Cộng Đồng