Huyết áp cao khi mang thai cần có chế độ chăm sóc đặc biệt. Chính vì thế, các mẹ nên hiểu rõ nguyên nhân và tình trạng bệnh để dễ dàng kiểm soát, tránh những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.
Như thế nào là huyết áp cao khi mang thai?
Huyết áp cao khi mang thai là khi huyết áp cao khởi phát vào nửa sau của thai kỳ (sau tuần thứ 20) ở các phụ nữ có chỉ số huyết áp trước lúc mang thai hoàn toàn bình thường. Mặc dù các mẹ bầu thường khỏi bệnh sau khi sinh bé, song tăng huyết áp thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao sau này.
Huyết áp bình thường: Dưới 120/80 mmHg
Huyết áp bình thường cao: Huyết áp tâm thu trong khoảng 120 – 129 và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg
Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu trong khoảng 130 – 139 hoặc huyết áp tâm trương trong khoảng 80 – 89 mmHg
Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu từ 140 trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên
Nguyên nhân dẫn đến cao huyết áp thai kỳ
Tình trạng thừa cân hoặc béo phì
Không hoạt động thể chất
Thói quen hút thuốc lá và uống rượu
Phụ nữ mang thai lần đầu
Tiền sử gia đình bị tăng huyết áp liên quan đến thai kỳ
Mang thai đôi hoặc đa thai, mang thai khi tuổi cao (trên 35)
Mắc bệnh tiểu đường
Áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản
Các nhóm cao huyết áp thai kỳ
1. Cao huyết áo mãn tính
Tình trạng cao huyết áp mãn tính đã xuất hiện từ trước khi có thai hoặc xảy ra trước tuần 20 của thai kỳ. Nhưng vì huyết áp cao thường không có quá nhiều triệu chứng nên khó có thể xác định khi nào bắt đầu và đôi khi chỉ được biết đến khi đi khám thai định kỳ.
2. Tăng huyết áp thai kỳ
Tình trạng này thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ nhưng không có các biểu hiện của tiền sản giật. Nếu phụ nữ mang thai mắc phải chứng bệnh này thì không cần quá lo lắng vì huyết áp sẽ trở về bình thường sau khi sinh em bé.
3. Tiền sản giật
Tiền sản giật là giai đoạn xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Các trường hợp tiền sản giật nặng sẽ ảnh hưởng đến tim, gan, thận, phổi của thai phụ. Ngoài ra, có thể gây co giật (còn gọi là sản giật) khiến cho não bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tiền sản giật còn làm giảm lượng máu đến bánh nhau, tình trạng này kéo dài khiến cho thai nhi bị suy dinh dưỡng, nước ối giảm và thậm chí chết lưu trong tử cung.
Trước đây, tiền sản giật chỉ được chẩn đoán nếu một phụ nữ mang thai bị cao huyết áp và xuất hiện protein trong nước tiểu. Tuy nhiên, các chuyên gia hiện nay đã nhận định phụ nữ có thể bị tiền sản giật ngay cả khi không có protein trong nước tiểu.
Huyết áp cao khi mang thai ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
1. Giảm lưu lượng máu đến thai nhi
Nếu nhau thai không nhận đủ máu, em bé có thể nhận được ít oxy và chất dinh dưỡng hơn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tăng trưởng chậm, nhẹ cân hoặc sinh non. Sinh non có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp, tăng nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng khác cho em bé.
2. Em bé phát triển chậm
Tăng huyết áp có thể dẫn việc tăng trưởng chậm hoặc giảm sự phát triển của em bé.
3. Huyết áp cao khi mang thai làm tổn thương các bộ phận cơ thể mẹ
Tình trạng cao huyết áp còn gây tổn thương tới các cơ quan chức năng khác của cơ thể người mẹ. Nếu không kiểm soát không tốt tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương não, tim, phổi, thận, gan và các cơ quan khác. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể đe dọa đến tính mạng.
4. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai
Phụ nữ mang thai bị tiền sản giật có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch trong tương lai. Tỷ lệ mắc bệnh càng cao nếu sản phụ bị tiền sản giật nhiều lần hoặc sinh non do bị huyết áp cao.
Cao huyết áp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho thời kỳ mang thai nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Vậy nên các sản phụ nên chú ý kiểm tra huyết áp thường xuyên và thực hiện chế độ dưỡng thai thật khoa học để ngăn ngừa được những nguy cơ xấu có thể xảy ra.
Nguồn : bau.vn
Tags: Cao huyết áp thai kỳ