Bài viết dưới đây của bau.vn sẽ hướng dẫn cách cho trẻ ăn váng sữa như thế nào là tốt nhất.
Tìm hiểu váng sữa là gì?
Theo phương pháp truyền thống, váng sữa được chế biến chủ yếu bằng cách vớt lấy lớp trên cùng của sữa rồi làm lạnh. Nhưng hiện nay, với các thiết bị tân tiến, người ta sản xuất váng sữa bằng phương pháp sử dụng các máy quay ly tâm để tách lớp trên cùng của sữa. Có rất nhiều loại váng sữa khác nhau tùy thuộc vào cách chế biến.
Ngoài ra, còn có một loại váng sữa nhân tạo được chế biến từ các thành phần chính là dầu thực vật (dầu dừa hoặc dầu cọ) với casein (đạm có trong sữa bò) và bổ sung thêm đường lactose (đường có trong sữa bò).
Nếu chú ý quan sát thành phần trên nhãn hộp váng sữa chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy thành phần chủ yếu của váng sữa là chất béo. Thông thường, lượng chất béo có trong 1 hũ váng sữa sẽ cao gấp 2 lần lượng chất béo có trong 1 ly sữa. Vì thế, cho bé ăn váng sữa là một biện pháp cung cấp năng lượng rất dồi dào.
Nhưng trên thực tế lượng chất đạm và các vitamin khoáng chất khác trong váng sữa không đủ nhu cầu hằng ngày cho cơ thể. Bởi vậy, cha mẹ không thể cho bé ăn váng sữa thay thế hoàn toàn cho lượng sữa trong ngày.
Nên cho trẻ ăn váng sữa như thế nào?
Thành phần chủ yếu của váng sữa là các loại chất béo với hàm lượng cao, giúp bổ sung thêm nhiều năng lượng. Vì thế, bố mẹ chỉ nên cho bé ăn váng sữa trong những trường hợp trẻ cần được cung cấp thêm năng lượng. Cụ thể là trong các trường hợp như: trẻ trên 1 tuổi bị thiếu cân, suy dinh dưỡng hay trẻ cần lấy lại sức khỏe sau thời gian mắc bệnh. Lúc này, bố mẹ có thể thêm váng sữa thành bữa phụ trong ngày của trẻ.
Số lượng váng sữa mỗi ngày phụ thuộc vào yếu tố độ tuổi, cân nặng và loại váng sữa sử dụng:
- Trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi có thể ăn 1 hộp váng sữa mỗi ngày
- Trẻ trên 1 tuổi có thể ăn từ 1 đến 2 hộp mỗi ngày, tùy vào khả năng hấp thụ
Váng sữa có chứa hàm lượng chất béo rất cao. Bởi vậy, bố mẹ cần hạn chế cho bé ăn váng sữa quá mức vì có thể gây đầy bụng, khó tiêu, thậm chí tiêu lỏng.
Có một số trường hợp bố mẹ không nên cho trẻ ăn váng sữa:
- Dưới 6 tháng tuổi
- Đang trong trạng thái thừa cân, béo phì
- Đang mắc bệnh tiêu lỏng
- Có tiền sử dị ứng đạm sữa bò
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo trẻ dưới 6 tháng tuổi cần phải được bú sữa mẹ hoàn toàn. Vì thế, ở độ tuổi này không nên cho trẻ ăn váng sữa. Bố mẹ chỉ nên cho con ăn váng sữa sau 6 tháng tuổi để bổ sung năng lượng và hỗ trợ tăng cân. Một điều bố mẹ phải đặc biệt lưu ý đó là váng sữa không phải là nguồn dinh dưỡng thay thế hoàn toàn cho sữa mẹ. Nếu bố mẹ cho bé ăn váng sữa thay thế sữa hoàn toàn sẽ dẫn đến thiếu chất đạm, có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng hoặc các bệnh lý khác như thiếu máu, thiếu các vi chất dinh dưỡng.
Thời điểm nào là thích hợp để cho trẻ ăn váng sữa
Thời điểm cho trẻ ăn váng sữa thích hợp sẽ giúp trẻ hấp thu các chất dinh dưỡng và hạn chế được các tác dụng không mong muốn. Bởi vậy, có một số lưu ý một về thời điểm cho trẻ ăn váng sữa bố mẹ cần biết:
- Không nên cho bé ăn váng sữa trước khi ăn bữa chính. Việc này có thể khiến trẻ no bụng và bữa chính.
- Thời điểm tốt nhất để bé ăn váng sữa là các bữa ăn phụ buổi sáng (khoảng 9h) và buổi chiều (khoảng 15h). Trong một vài trường hợp bé dễ bị nôn trớ do quá no bụng thì bố mẹ hãy cho trẻ ăn váng sữa sau bữa chính từ 1 đến 2 giờ.
- Không nên cho trẻ ăn váng sữa vào buổi tối, đặc biệt là trước khi đi ngủ vì điều này có khả năng gây đầy bụng và dẫn đến khó ngủ.
Nguồn : bau.vn