2 lần trầm cảm sau sinh: Hành trình tìm lại “ánh sáng”sự sống của bà mẹ Việt tại Nhật

Kết hôn ở tuổi 30 tưởng như đã đủ bản lĩnh để vượt qua mọi sóng gió. Thế nhưng, chị Kim Anh (37 tuổi) đang sinh sống tại Nhật đã phải trải qua 2 lần trầm cảm sau sinh. Với chị đó là những kí ức không muốn hồi tưởng lại.

Hiện tại, chi Kim Anh đang là bà mẹ của 2 thiên thần nhỏ bé đáng yêu và làm biên phiên dịch, nhân viên văn phòng tại Nhật Bản. Tuy nhiên, ít ai biết được 2 lần sinh con là 2 lần chị vượt qua căn bệnh trầm cảm sau sinh– lằn ranh sinh tử để chiến đấu tìm lại chính mình.

Trầm cảm sau sinh “giết chết” tâm hồn người phụ nữ

Trong cuộc đời mỗi người, có lẽ ai cũng có những nỗi niềm muốn đào sâu chôn chặt. Mỗi lần, ai đó nhắc tới tin tức như mẹ nhảy lầu tự tử hay mẹ giết hại con, chị Kim Anh không dám trực diện nói chuyện tiếp với họ. Chị thường chọn cách lảng đi, ngước mắt nhìn lên cao để ngăn dòng nước mắt đang trực chảy ra, lòng thắt lại vì thương người mẹ đó. Bởi, khi đối diện với những câu chuyện đó, trong đầu chị lại gợi nhớ quãng thời gian ám ảnh của mình đã trải qua.

Chị Kim Anh sinh con đầu lòng vào năm 30 tuổi, cái độ tuổi đã đủ chín chắn và vững vàng về kinh tế cũng như tinh thần. Như bao bà mẹ khác, chị cũng vui mừng, hạnh phúc chào đón con đến với thế giới này.

Tuy ở Nhật, nhưng chị may mắn có mẹ sang chăm, có chồng bên cạnh, có gia đình ở Việt Nam động viên cổ vũ từ xa. Nhưng ngay sau khi sinh xong, chị đã trải qua những đêm dài mất ngủ, không ngủ được cả đêm lẫn ngày, dù được ưu tiên nằm riêng 1 phòng. Bất ngờ, chị cảm nhận được bản thân đã mất năng lực kiểm soát cảm xúc, vô cảm với đứa con mình từng ngóng trông. Chị luôn rơi vào trạng thái tuyệt vọng, khóc lóc và căm ghét bản thân mình.

tram cam sau sinh

Chẳng ai có thể ngờ được một người mẹ từng hạnh phúc trò chuyện cùng con khi còn trong bụng, mong ngóng được cầm bàn tay nhỏ xinh, bây giờ lại trở nên vô tâm với con như vậy.

Tệ hơn khi vào đêm thứ 10 sau khi sinh, giữa cái lạnh âm độ, tuyết rơi, trong bộ áo ngủ mỏng manh, chị Kim Anh đã trốn nhà và lao ra biển, chị lội xuống qua kè đá và bắt đầu tự nhấn chìm cơ thể, chị tìm đến cái chết!

Thế nhưng, khi đã no 1 bụng nước, ngạt thở, đến gần với “thần chết” thì 1 tia sáng lóe lên trong đầu: “mình không thể chết vì nếu chết bố mẹ sẽ đau lòng, con sẽ khổ”. Ý nghĩ ấy đã cứu sống chị, dùng hết sức bình sinh vẫy vùng, kỳ tích xảy ra khi một người không biết bơi như chị lại có thể nhích và với được vào mỏm đá. Có lẽ, đó là bản năng làm mẹ đang thức tỉnh chị.

tram cam sau sinh

Những ngày sau đó, giấc ngủ lẫn tâm trạng chị Kim Anh không tốt, mất ngủ kéo dài khiến thần kinh mệt mỏi hơn, ăn uống nôn ọe, cạn kiệt sinh lực và trí lực.

Khi bé được hơn 1 tháng, chị quyết định về Việt Nam để thay đổi môi trường, hi vọng sẽ khiến tâm trạng tốt hơn. Thế nhưng, khi về Việt Nam con chị bị ốm nặng khiến những suy nghĩ tiêu cực lại có “cớ” trỗi dậy. Chị cảm thấy vô dụng, không ngừng nghĩ đến cái chết và lãnh cảm với tất cả.

Tìm đến Bệnh viện Tâm thần để chữa trị, chị Kim Anh được chuẩn đoán là loạn thần, một dạng trầm cảm nặng không kiểm soát được hành vi và suy nghĩ.

Có những khoảng thời gian chị phải trở thành “diễn viên bất đắc dĩ” để không khiến mọi người lo lắng. Bề ngoài, chị tỏ ra bình thường, nhưng khi 1 mình thì những suy nghĩ tự tử lại “thao túng” chị.

23,5 tiếng trong 1 ngày 24 giờ chị phải sống chung với những cơn đau đầu kéo dài, những hệ lụy của mất ngủ kéo dài hành hạ. Lúc ấy, chị chẳng có gì ngoài 1 mớ suy nghĩ luẩn quẩn và 1 thân xác vô hồn đúng nghĩa.

Với người bình thường, một đối mặt với “cửa tử” như vậy là quá đủ. Nhưng chị Kim Anh phải chiến đấu với trầm cảm sau sinh 2 lần, phải chịu đựng những ám ảnh gấp đôi người khác.

Hành trình tìm lại “sự sống” cho chính mình

Cả 2 lần sinh con, không biết bao nhiêu lần chị định tự tử, vùi mình xuống biển, muốn nhảy lầu… Nhưng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết luôn có những tia sáng kịp lóe trong đầu để kéo chị về với thực tại.

Chị Kim Anh chia sẻ, để vượt qua trầm cảm sau sinh, chị đã quyết định để con ở lại Việt Nam nhờ ông bà chăm sóc giúp để chị bay lại sang Nhật Bản. Chị nghĩ đó là thời gian để bản thân thêm động lực và quyết tâm chữa bệnh, chị cố gắng đến phòng tập để tinh thần được giải tỏa. Lúc mệt mỏi, chị luôn ngắm ảnh con để lấy động lực, để dùng lý trí ăn từng miếng, nhai bằng lý trí, cố kìm để thức ăn không bị trào ngược ra, cố tập từng cấp độ để lấy lại sức khỏe, mong đón con sang đoàn tụ sớm nhất có thể. Sau 6 tháng, tức là khi con 1 tuổi, chị mới bình phục hoàn toàn.

tram cam sau sinh

Để vượt qua căn bệnh này không cần quá nhiều biện pháp, mà quan trọng nhất là người mẹ tự thay đổi được suy nghĩ của bản thân, dám tự mình bước ra khỏi “bóng tối”.

Ngoài ra, chị Kim Anh cho rằng: “Phụ nữ sau sinh cần được thông cảm, nghỉ ngơi và ngủ đủ. Giai đoạn bầu và sau sinh, tâm lý phụ nữ rất nhạy cảm, thái độ của người chồng và gia đinh là vô cùng quan trọng. Gia đình cố gắng lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ việc chăm con nhỏ, tạo điều kiện cho sản phụ nghỉ ngơi”.

Hiện tại, chị Kim Anh đã bình phục và đang sống hạnh phúc cùng 2 “mặt trời bé con” của mình. Nhưng những ngày tháng bão giông ấy vẫn không phai mờ trong lòng chị. Mỗi khi đọc được trạng thái nào ‘có vấn đề’ trên Facebook người quen, bạn bè, hay nhóm Mẹ Việt Tại Nhật, chị không dám bình luận vào bài viết vì sợ bạn bè, người quen đọc được. Chị chọn các nhắn tin, gọi điện riêng để chia sẻ, âm thầm và bí mật giúp đỡ họ. Với người trầm cảm sau sinh, liều thuốc hỗ trợ tốt nhất là đồng cảm và thấu hiểu. Vậy nên, là một người đã từng phải hàng ngày giằng xé phần “tối” và phần “sáng”, chị cố gắng hỗ trợ, chia sẻ với các bà mẹ cùng hoàn cảnh nhiều nhất có thể.

Qua câu chuyện của mình, chị Kim Anh muốn gửi gắm đến những người chuẩn bị, đã và đang trong bờ vực của tuyệt vọng lời nhắn nhủ: “Làm mẹ là điều tuyệt vời. Các mẹ hãy chuẩn bị sức khỏe cho tốt. Cố gắng vận động ngay từ khi mang bầu. Nuôi con nhỏ hơn nhau ở thể lực. Trong cuộc sống, cố gắng tập thói quen buông bỏ, không cần quá cầu toàn, tập trung nhìn vào mặt tích cực để thấy cuộc sống vui vẻ, nhẹ nhàng. Không cần quá cầu toàn, việc gì cũng tự tay làm, như thế sẽ rất mệt. Đừng ngần ngại khi nhờ người thân phụ giúp chăm con. Chúc các mẹ luôn khỏe và bình an!”.

Nguồn : Sức khỏe 24h