Khoảng 15% phụ nữ sau khi sinh bị cương vú. Hiện tượng này có thể gặp ở bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn cho con bú. Tuy nhiên, hay gặp nhất trong tuần lễ đầu tiên. Triệu chứng chính của bệnh là toàn bộ vú cương to, căng tức, đau, đôi khi sốt nhẹ khoảng 38ºC. Cương vú có thể tự điều trị bằng cách xoa bóp, chườm nóng, tiếp tục cho con bú. Với những trường hợp kéo dài, có thể sử dụng phương pháp tiêm bắp oxytocin, vật lý trị liệu tia hồng ngoại và hút sữa bằng máy hút. Bạn cần điều trị tốt để tránh biến chứng nặng hơn như viêm bạch mạch vú và áp xe vú.
Nứt đầu vú
Khoảng 25% phụ nữ cho con bú có triệu chứng nứt đầu vú. Hiện tượng này thường xảy ra trong 2 tuần đầu. Biểu hiện thường gặp là đau đầu vú khi trẻ bú, đầu vú có vết rạn nhỏ trên bề mặt, xuất hiện một số vết loét ở đầu vú hay chân núm vú, núm vú đỏ rực, có thể chảy máu mỗi khi trẻ bú. Nếu bị bệnh này, bạn nên để vú thoáng, tiếp xúc với không khí hoặc ánh nắng mặt trời. Tạm ngừng cho trẻ bú trong 6 – 12 giờ và vắt sữa bằng tay.
Viêm ống dẫn sữa
Bệnh thường xảy ra sau khi cương vú và viêm bạch mạch, với những biểu hiện như sốt cao, ở vú có các nhân cứng và đau, nách có hạch ấn đau. Các mẹ có thể vắt sữa lên một miếng bông để quan sát. Nếu bông có những mảnh nhỏ, vàng nhạt, chứng tỏ trong sữa có mủ. Khi có triệu chứng bệnh này, bạn nên đi khám bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời, tránh tổn hại đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Nếu không điều trị đúng cách, có thể dẫn đến áp xe vú.
Viêm bạch mạch vú
Khoảng 5% phụ nữ cho con bú bị nhiễm viêm bạch mạch vú. Nguyên nhân gây bệnh do tụ cầu, liên cầu và các vi khuẩn gram âm xâm nhập qua tổn thương ở đầu vú. Khi mắc bệnh, bạn có thể bị sốt cao tới 40ºC, một bên vú bị sưng đỏ, trên da vú có những vùng đỏ khư trú, kéo dài, rất đau khi chạm vào, hạch nách tròn, đau, di động. Nếu có dấu hiệu mắc bệnh, cần nghỉ ngơi để lấy sức và có thể giảm đau bằng thuốc paracetemol.
Tăng sinh tuyến vú
Bệnh thường gặp ở phụ nữ từ 30 – 50 tuổi. Tăng sinh tuyến vú do rối loạn chức năng nội tiết gây nên. Bệnh có những biểu hiện như ngứa ở đầu vú, phát nhiệt ở bầu vú và bầu vú to lên. Đôi khi, có kèm theo cả triệu chứng suy nhược thần kinh với các mức độ khác nhau như lo lắng, phiền muộn, váng đầu, mất ngủ, mê mệt, rối loạn kinh nguyệt. Vì vậy, đây không chỉ là một bệnh của tuyến vú mà còn liên quan toàn thân. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, chị em nên duy trì lối sống lành mạnh, kết hợp làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, duy trì sự hài hòa trong quan hệ vợ chồng.
Viêm tuyến vú
Viêm tuyến vú (nhũ ung) là một triệu chứng thường xuất hiện ở sản phụ trong khoảng 3 – 4 tuần đầu sau khi sinh. Đặc biệt, gặp nhiều ở những bà mẹ sinh con đầu lòng và đang trong giai đoạn cho con bú. Đây là loại bệnh viêm nhiễm gây ra do vi khuẩn xâm nhập vào mô vú, với những nguyên nhân là sữa ứ đọng, tinh thần không thoải mái, ăn uống sinh hoạt thất thường, hoặc nhiễm độc sau khi sinh. Thời kì đầu, người bệnh sẽ bị rỉ sữa, núm vú sưng đau và nứt nẻ, tắc ống dẫn sữa, sữa ra không đều, không thông. Người sốt, sợ lạnh, tức ngực, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng, đau đầu và toàn thân. Đến giai đoạn sau, bầu vú có thể bị sưng to, từng đám da hoặc cả vú trở nên đỏ nóng, tăng mức độ đau, sốt cao không hạ, mưng mủ cục bộ. Người bứt rứt khó chịu, miệng khô, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến các bệnh tuyến vú thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Triệu chứng bệnh rất dễ phát hiện. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh kéo dài, chị em nên trực tiếp đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời.
BS. Trần Thúy Vân (TT Chăm sóc SKSS Hà Nội)
Tạp chí Bầu só 51, 10/08/2013
Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276
Nguồn : bau.vn