4 dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thiếu kẽm nghiêm trọng

Kẽm là chất dinh dưỡng thiết yếu có trong nhiều loại thực phẩm từ thực vật đến động vật. Loại khoáng chất này đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Do đó, thiếu kẽm sẽ khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng, gây mụn trứng cá, tiêu chảy và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Kẽm là chất cần thiết cho nhiều chức năng trong cơ thể bạn, trong đó có phản ứng của enzyme, tổng hợp protein, ADN, chữa lành vết thương và sự phát triển của toàn bộ cơ thể. Do đó, thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng đến cơ thể bạn theo nhiều cách khác nhau. Nếu tình trạng này kéo dài có thể sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Hàu là món nổi tiếng giàu kẽm

Lượng kẽm khuyến nghị mỗi ngày với người trưởng thành là khoảng 8 mg với phụ nữ và 11 mg đối với nam giới. Thiếu kẽm trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể xuất hiện những vấn đề sau:

Sụt cân

Thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn, khiến chúng ta không cảm thấy đói và ăn ít hơn, từ đó gây sụt cân. Ngoài ra, vì cơ thể không nhận đủ kẽm nên quá trình trao đổi chất sẽ chậm, khiến thay đổi tâm trạng, dễ cáu kỉnh hoặc trầm cảm.

Trẻ chậm lớn

Thiếu kẽm có thể gây ra tình trạng chậm phát triển và còi cọc ở trẻ em. Nguyên nhân là do kẽm là vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, biệt hóa và trao đổi chất của tế bào. Do đó, nồng độ kẽm thấp sẽ khiến trẻ em khó phát triển tốt về mặt thể chất, đồng thời làm giảm khả năng chống lại các bệnh viêm nhiễm.

Tiêu chảy

Kẽm cũng đóng vai trò quan trọng với hoạt động của hệ tiêu hóa. Cơ thể không thể tự sản xuất kẽm mà cần hấp thụ qua thực phẩm hoặc chất bổ sung. Vì vậy, thiếu kẽm sẽ làm dễ phát sinh các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy.

Mụn trứng cá

Thiếu kẽm sẽ làm gia tăng tình trạng tích tụ chất nhờn, vi khuẩn trên da. Tình trạng này sẽ dễ gây viêm nhiễm và dẫn đến mụn trứng cá. Các chuyên gia cho biết kẽm có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn P. acnes và ức chế hoạt động của tuyến dầu. Thiếu kẽm vì vậy dễ gây mụn trứng cá hơn.

Những người có nguy cơ cao bị thiếu kẽm là người mắc bệnh Crohn, ăn chay, phụ nữ mang thai và cho con bú, mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, người suy dinh dưỡng, có bệnh thận mạn tính hoặc uống nhiều rượu bia. Những món có nhiều kẽm là hàu, tôm, cua, thịt, trứng, sữa, đậu và các loại ngũ cốc nguyên hạt, theo Medical News Today.

Nguồn : bau.vn