4 mẹo chụp ảnh chân dung đẹp bằng điện thoại

Hiểu về ánh sáng, áp dụng quy tắc bố cục 1/3... là những bí quyết để có được bức ảnh chân dung đẹp khi chụp bằng điện thoại, theo nhiếp ảnh gia Minh Hòa.

Để giúp những người yêu thích chụp ảnh bằng điện thoại, đặc biệt là ảnh chân dung nhưng lại thiếu kỹ năng, nhiếp ảnh gia Minh Hòa đưa ra một số lưu ý dưới đây.

Hiểu về ánh sáng

Anh Minh Hòa chia sẻ “ánh sáng là bậc thầy của điện ảnh và nhiếp ảnh”. Do đó, để chụp được một bức ảnh đẹp, điều đầu tiên là phải hiểu về các loại ánh sáng như: ánh sáng thuận, xiên, ngược, cửa sổ, đèn (đèn led hiện được sử dụng nhiều nhất nhờ tính thuận tiện). Đặc biệt, với ảnh chân dung, việc chụp ngược sáng hoặc sử dụng ánh sáng xiên sẽ khiến bức ảnh đẹp hơn.

Vị nhiếp ảnh gia lưu ý, với những bức ảnh chân dung, ánh sáng gắt thường làm lộ nhược điểm của người mẫu. Vì vậy, người chụp cần sử dụng các thiết bị che bớt hoặc làm dịu ánh sáng. Còn với những trường hợp thiếu sáng, cần sử dụng thêm tấm hắt sáng hoặc tại những nơi tối, có thể trang bị thêm đèn led cầm tay.

“Khi sử dụng đèn led, ánh sáng cần phải được hắt từ trên xuống, tránh chiếu đèn ngang chủ thể cần chụp hay hắt từ dưới lên. Qua mỗi tấm hình, ánh sáng sẽ thể hiện được cá tính riêng của người chụp”, anh nói.

Áp dụng quy tắc bố cục 1/3

Bố cục 1/3 là quy tắc cơ bản và phổ biến nhất trong nhiếp ảnh, được nhiều người sử dụng. Với những người không chuyên, để áp dụng đúng quy tắc này, cách chụp dễ dàng nhất là bật chế độ khung lưới trên màn hình camera của điện thoại. Màn hình sẽ được chia thành 9 phần bằng nhau bởi các đường dọc và ngang. Từ đó, người chụp chỉ cần đặt chủ thể vào đúng các điểm giao nhau của hai đường thẳng và chụp.

“Tuyệt đối không đặt chủ thể cần chụp vào giữa khung hình bởi điều này sẽ khiến bức ảnh trông rất xấu”, nhiếp ảnh gia Minh Hòa nhấn mạnh.

Ngoài ra, người chụp cũng cần chú ý về việc lấy nét chủ thể trên camera, tăng giảm độ sáng và có thể bật chế độ chống rung để ảnh không bị mờ, nhòe.

Chọn phông nền phù hợp

Phông nền chụp ảnh sẽ phụ thuộc vào ý tưởng của người chụp và người mẫu cũng cần diện trang phục phù hợp với bối cảnh. Nhiếp ảnh Gia Minh Hòa gợi ý những địa điểm hoài cổ như Huế, Hội An… sẽ rất phù hợp để chụp áo dài; hoặc bãi biển sẽ là nơi đẹp nhất để chụp những bộ bikini.

Ngoài ra, khi chụp trong nhà, với những bức ảnh chân dung, chọn phông càng đơn giản càng đẹp. Màu sắc giữa phông và da mặt cần có cường độ tương đồng với nhau. Bởi phông quá sáng dễ khiến mặt bị tối; còn phông tối lại dễ khiến màu tóc bị lẫn vào. Còn khi chụp ngược sáng, người chụp không được sử dụng phông sáng như phông trắng mà nên chọn phông màu tối để làm nổi bật chủ thể. Ngoài ra, người chụp cần chọn phông trơn, đơn giản, không sử dụng phông lưới B40 hay họa tiết caro vì khi chỉnh sửa ảnh như: bóp eo, làm thon tay… dễ làm lộ nhược điểm của ảnh.

Nhiếp ảnh gia minh hòa hướng dẫn cách tạo dáng trong khóa học. Ảnh: NVCC

Học cách tạo dáng cho mẫu ảnh

Điều này đặc biệt quan trọng với người cầm máy ảnh.. Với những người mẫu chuyên nghiệp, việc tạo dáng để có được bức ảnh đẹp không khó nhưng với người bình thường, mọi thứ đều ngược lại.

Theo nhiếp ảnh gia Minh Hòa, tư thế đứng rất khó tạo được dáng đẹp. Do đó, chụp ảnh với tư thế ngồi sẽ dễ dàng hơn với người bình thường. Ở tư thế này, người được chụp không nên ngồi tựa ra sau ghế mà nên ngồi thẳng lưng để tránh lộ vòng hai không thon gọn; mặt cần ngẩng cao để không lộ nọng cằm; không ngồi thẳng người, ngồi chéo nhằm tạo đường cong mềm mại sẽ khiến bức hình đẹp hơn. Ngoài ra, với những người có chiều cao khiêm tốn, khi ngồi gác chân, mũi bàn chân cần duỗi ra, xuôi theo chiều cơ thể để trông dài hơn; hai ống chân cũng nên hơi tách ra, không nên áp sát vào nhau.

Một điểm cần lưu ý khi chụp ảnh chân dung là tròng đen của mắt rất quan trọng. Người chụp cần hướng dẫn mẫu ảnh hướng nhìn để có được bức ảnh nhiều tròng đen nhất, tối kỵ chụp ảnh nhiều tròng trắng.

Nguồn : bau.vn