Phát ban ở trẻ em là một trong những triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ. Biểu hiện bằng những nốt ban đỏ ban đầu mọc ở một vị trí, sau đó lan ra khắp cơ thể. Tìm hiểu nguyên nhân là vô cùng quan trọng để điều trị và theo dõi, tránh bỏ sót những nguyên nhân nguy hiểm ẩn đằng sau những vết phát ban ở trẻ em tưởng chừng vô hại.
Viêm mô tế bào
Viêm mô tế bào là một bệnh nhiễm trùng của các lớp mô sâu bên dưới da. Khu vực bị viêm sẽ có biểu hiện đỏ, đau, sưng và nóng. Bệnh thường xuất hiện nhiều nhất ở chân, nhưng có thể xảy ra bất cứ nơi nào trên cơ thể. Em bé cũng có thể đi kèm với biểu hiện sốt.
Hãy đưa bé đi khám bác sĩ ngay nếu mẹ nhận thấy một vùng da của con đột nhiên sưng, nóng, đỏ, đau.
Viêm mô tế bào thường có thể được chẩn đoán bằng cách đánh giá các triệu chứng và thăm khám cẩn thận. Bệnh thường đáp ứng tốt với điều trị bằng kháng sinh.
Thủy đậu
Thủy đậu là một bệnh do virus rất phổ biến, trước đây khi chưa có vắc xin, bệnh có thể gặp ở hầu hết trẻ em. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ dưới 10 tuổi.
Biểu hiện của bệnh là phát ban ở trẻ em, xuất hiện các nốt ngứa, sau biến thành mụn nước, cuối cùng là đóng và bong vảy. Một số trẻ mắc bệnh chỉ có biểu hiện một vài nốt ban ngứa, trong khi những trẻ khác có thể xuất hiện nốt ngứa trên toàn bộ cơ thể. Các nốt ban ngứa thường xuất hiện nhiều nhất trên mặt, tai và da đầu, cánh tay, trên ngực, bụng, chân.
Không có cách điều trị cụ thể đặc hiệu đối với bệnh thủy đậu, nhưng mẹ có thể dùng các thuốc bác sĩ kê toa để làm giảm các triệu chứng của bé. Ví dụ, paracetamol có thể giúp giảm sốt (không nên dùng aspirin cho trẻ em dưới 16 tuổi), và kem dưỡng da calamine và gel làm mát có thể được sử dụng để giảm ngứa cho bé yêu.
Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là một bệnh phổ biến, dễ lây lan gây loét miệng và mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân.
Bệnh gặp nhiều nhất ở trẻ nhỏ (đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi), nhưng cũng có thể gặp ở trẻ lớn và người lớn.
Không có cách điều trị cụ thể bệnh tay, chân và miệng và rất dễ lây lan, vì vậy mẹ nên để trẻ nghỉ học cho đến khi bé hết bệnh để tránh lây cho các bé khác nhé! Hệ thống miễn dịch của con sẽ chống lại vi rút và sẽ hết sau khoảng từ 7 đến 10 ngày.
Hãy chắc chắn rằng con được uống nhiều nước, và nếu ăn uống khó khăn, hãy cho bé ăn những thức ăn mềm, chẳng hạn như cháo, sữa chua và súp.
Bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm rất cao, thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Hiện tại bệnh tương đối ít gặp hơn trước do tính hiệu quả của vắc-xin sởi, quai bị và rubella (MMR).
Phát ban sởi là các đốm màu nâu đỏ, thường bắt đầu xuất hiện ở đầu hoặc cổ và sau đó lan ra phần còn lại của cơ thể. Con thường bị sốt và có các triệu chứng giống như cảm lạnh.
Hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu mẹ nghĩ rằng con đang bị sởi.
Bệnh sởi thường hết trong khoảng từ 7 đến 10 ngày mà không gây ra bất kì biến chứng gì. Paracetamol hoặc ibuprofen có thể được sử dụng để giảm sốt, đau nhức (không nên dùng aspirin cho trẻ em dưới 16 tuổi). Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng con được uống nhiều nước để tránh mất nước.
Phát ban da ở trẻ em thường lành tính, nhưng không thể loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tay chân miệng, sởi, viêm mô tế bào, … Vì vậy nếu mẹ thấy bé có những biểu hiện phát ban ở trẻ em trên đây, và nghi ngờ bé mắc phải một trong số những căn bệnh này thì đừng ngại và chần chừ, hãy đưa bé đi khám bác sĩ ngay lập tức mẹ nhé!
Nguồn : Sức khỏe cộng đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/nhung-vet-phat-ban-o-tre-em-khong-lanh-tinh-nhu-nhieu-me-van-tuong-a185300.html