Khi chào đời, trẻ sơ sinh có hàng ngàn thứ để học, trong đó có cả việc ngủ nghỉ. Trong tháng đầu tiên sau khi sinh, nhiều bé không dễ dàng đưa bản thân vào trạng thái ngủ say và điều này được thể hiện qua cơn gắt ngủ của trẻ. Mỗi bé sẽ có một “phong cách” riêng như nằm im và nhìn chằm chằm vào một chỗ, khóc rấm rứt một lúc lâu và cũng có những bé gào khóc một cách vô cùng gay gắt. Mẹ phải làm gì để chấm dứt tình trạng trẻ gắt ngủ quấy khóc và giúp con ngủ ngon hơn?
1. Tập dần thói quen ngủ đúng giờ giúp giảm cơn gắt ngủ
Trẻ sơ sinh khi mới chào đời dù đang khóc ngặt nghẽo nhưng có thể lăn ra ngủ ngay chỉ sau 1 giây. Khoảng 6 tuần đầu, bố mẹ nên để bé bú và ngủ theo nhu cầu bất cứ lúc nào bé muốn. Tuy nhiên, hầu hết các bé đều có thời gian ngủ và bú giãn cách từ 30 phút đến 1 tiếng. Bố mẹ có thể ghi lại các mốc thời gian bú-ngủ của con để điều chỉnh, giãn cữ bú cho bé để bé ngủ được lâu hơn. Cách này cũng giúp mẹ chủ động được thời gian hơn.
Việc tạo thói quen ngủ đúng giờ sẽ giúp bé học cách tự đưa mình vào trạng thái ngủ dễ dàng hơn, từ đó giảm bớt cơn gắt ngủ.
2. Sử dụng các loại âm thanh lặp đi lặp lại
Một số cha mẹ chia sẻ trường hợp những em bé rất kì lạ, chỉ ngừng khóc khi nghe thấy âm thanh đều đều của máy sấy tóc, lò nướng, nhạc êm dịu, thậm chí cả tiếng xé giấy… Khi bé khóc gắt ngủ và cho dù đã dỗ mọi cách bé cũng không nín, mẹ có thể thử sử dụng các loại âm thanh trên. Nhiều bé chỉ ngủ khi có tiếng nhạc. Chịu khó quan sát con, mẹ sẽ biết cách dỗ trẻ gắt ngủ tốt nhất đối với bé nhà mình.
3. Cho bé bú no trước khi ngủ sẽ giúp giảm cơn gắt ngủ
Hình ảnh mẹ cho bé bú và bé ngủ luôn trên tay rất quen thuộc và được nhiều mẹ áp dụng nhưng thường thì theo cách này, khi đặt xuống giường bé sẽ thức dậy và khóc. Kinh nghiệm là nên để bé bú no, chớm buồn ngủ sẽ đặt bé xuống. Mẹ có thể vỗ về bé nhẹ nhẹ hoặc xoa lưng cho bé để bé ngủ.
Việc nằm thẳng và chìm sâu vào giấc ngủ như thế này sẽ tốt hơn giấc ngủ chập chờn trên tay mẹ.
4. Chú ý đến biểu hiện buồn ngủ của bé
Các em bé sơ sinh khi buồn ngủ thường lờ đờ, ngáp và tỏ ra chậm chạp. Cha mẹ nên chú ý đến những biểu hiện này để cho bé bú và ngủ ngay. Nếu để bé chơi hoặc ồn ào khiến bé quá giấc, cơ thể sẽ không tiết ra melatonin làm dịu cơn mệt mỏi dẫn đến việc bé liên tục quấy khóc, khó ngủ, ngủ không sâu…
5. Không tập thói quen rung lắc để ru ngủ ngay từ lúc mới sinh
Đây là thói quen của rất nhiều mẹ hiện nay. Thường thấy bé quấy khóc liên tục, mẹ hoặc bà sẽ bế bé trên tay vừa đi vừa rung lắc vừa hát ru bé. Một số mẹ còn để bé trên võng hoặc nôi điện và đưa. Thật ra, bé có thể ngủ nhưng ngủ không sâu và bị phụ thuộc vào những điều này. Ngay khi mẹ đặt bé xuống giường hoặc nôi/võng ngừng rung, bé sẽ thức dậy và khóc toáng lên. Tốt nhất bố mẹ không nên cho bé làm quen với những thứ này ngay từ lúc sinh ra. Môi trường tốt nhất cho bé ngủ là mặt phẳng, êm ái, thoáng mát và ít tiếng ồn.
6. Nên cho bé ngủ ở nơi quen thuộc
Các em bé sơ sinh tuy không thể biểu hiện nhiều cảm xúc nhưng bé có thể cảm nhận được tất cả mọi thứ xung quanh. Nhiều bé chỉ ngủ ngon khi được đặt vào đúng nôi, chỗ trên giường của mình. Đây cũng là một cách để bố mẹ tập cho bé thói quen đi ngủ đúng giờ và đúng chỗ. Nhiều mẹ đến giờ ngủ của trẻ nhưng bận nấu cơm, ăn cơm hay làm gì đó thường để con trên nôi và mang đến gần mình. Các nhà khoa học cho rằng việc di chuyển và cho bé bạ đâu ngủ đó thật sự không tốt cho trẻ. Nên tập cho con thói quen vào phòng ngủ.
7. Không cho con bú trong lúc ngủ say
Khi tham khảo các tài liệu nuôi trẻ sơ sinh, nhiều mẹ bị mắc tình trạng áp dụng tuyệt đối không phù hợp với con của mình. Ví dụ cứ đúng 30 phút – 1 tiếng mẹ sẽ cho con bú 1 lần. Vì thế nhiều em bé đang ngủ giữa đêm cũng sẽ được mẹ bế lên cho bú hoặc nhét ti vào miệng. Việc khiến bé thức giấc có thể làm bé khó chịu và quấy khóc. Giấc ngủ sâu và dài rất quan trọng, nên nếu bé có bỏ 1-2 cữ bú đêm cũng không khiến bé đói hay mệt.
8. Tạo môi trường ngủ lý tưởng giúp giảm cơn gắt ngủ
Những em bé sơ sinh có thể ngủ ngay lập tức khi quá buồn ngủ cho dù trời sáng hoặc tiếng động lớn. Nhưng như thế không có nghĩa là bé có thể ngủ bất cứ đâu và hoàn cảnh nào. Mẹ và bé nên ở trong phòng kín gió, thoáng và yên tĩnh. Khi cho bé ngủ, mẹ nên kéo bớt rèm và hạn chế tối đa tiếng ồn. Tập ngủ ngoan cho bé từ nhỏ sẽ khiến bé đỡ quấy khóc và hình thành thói quen tốt sau này.
Với những bước đơn giản kể trên, mẹ sẽ mất từ 1 đến 4 tuần cho việc tập thói quen ngủ cơ bản cho bé sơ sinh. Khi giấc ngủ đã đi vào nề nếp, tình trạng trẻ gắt ngủ, quấy khóc trước khi ngủ sẽ giảm dần và “tan biến” không còn dấu vết.
Cơn gắt ngủ của con khiến các mẹ mệt mỏi và lo lắng, hãy tham khảo ngay những cách trên để khắc phục tình trạng này hiệu quả nhé!
Nguồn : bau.vn