Nhiễm giun kim là gì?
Nhiễm giun kim là một trong những loại nhiễm giun đường ruột phổ biến nhất ở người. Giun kim là những con giun nhỏ, hẹp. Chúng có màu trắng và dài chưa đến 2cm.
Giun kim ở trẻ em có thể lây lan dễ dàng. Chúng phổ biến nhất ở trẻ em 5 đến 10 tuổi và những người sống trong khu tập thể.
Bằng mắt thường có thể thấy giun bò ra và đẻ trứng quanh lỗ hậu môn. Tuy nhiên, cần đến kính hiển vi mới có thể thấy được cấu trúc trên người giun và trứng giun. Bạn có thể bắt giun kim bằng cách vệ sinh sạch vùng hậu môn.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do trứng giun lây nhiễm qua thức ăn, nước uống, các vật dụng trong nhà. Do trẻ nhỏ không rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh và hay có thói quen cho tay lên miệng nên dễ bị nhiễm giun. Một số trường hợp nhiễm bệnh là do nuốt phải trứng giun bay trong không khí.
Triệu chứng của nhiễm giun kim
Một số người bị nhiễm giun kim không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu bị giun bạn có thể quan sát và phát hiện.
- Ngứa thường xuyên và dữ dội quanh khu vực hậu môn
- Giấc ngủ không yên do ngứa và khó chịu ở hậu môn
- Đau, phát ban hoặc kích ứng da xung quanh hậu môn
- Sự hiện diện của giun kim trong khu vực hậu môn của con bạn
- Sự hiện diện của giun kim trong phân
Trẻ bị nhiễm giun kim thường có biểu hiện chổng mông đi ngủ
Làm cách nào để biết trẻ bị nhiễm giun kim?
Trẻ nhiễm giun kim thường sẽ gãi và kêu ngứa quanh hậu môn, đặc biệt là vào ban đêm. Nếu là trẻ sơ sinh thì giấc ngủ sẽ bị xáo trộn và quấy khóc do ngứa gây ra. Bên cạnh đó, các dấu hiệu như da bị kích ứng xung quanh hậu môn, ngứa âm đạo ở trẻ gái hoặc buồn nôn và nôn cũng có thể là những dấu hiệu cảnh báo bệnh giun kim ở trẻ em.
Nếu nghi ngờ trẻ nhiễm giun kim, bạn có thể sử dụng đèn pin để kiểm tra giun ở hậu môn và trong tã của trẻ vào ban đêm hoặc vào buổi sáng. Vì giun kim chỉ xuất hiện và gửi trứng trên da chủ yếu vào ban đêm nên đây là thời điểm tốt nhất để kiểm tra. Bạn cũng có thể kiểm tra sự hiện diện của giun kim bằng cách ấn nhẹ một miếng băng keo trong suốt vào hậu môn của trẻ. Khi đó, trứng sẽ dính vào băng keo và bạn có thể đưa nó đi để kiểm tra.
Giun thường đẻ trứng ở hậu môn gây ngứa hậu môn
Nếu không tìm thấy giun kim hoặc trứng giun thì ngứa hậu môn có thể là dấu hiệu của một vấn đề khác, chẳng hạn như do vệ sinh khu vực này quá mạnh bằng xà phòng. Da đỏ, mềm xung quanh hậu môn của trẻ cũng có thể là kết quả của kích ứng do hăm tã, tiêu chảy hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn. Dịch mủ hoặc các loại dịch có mùi hôi khác cũng là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Tác hại do giun kim gây ra
Đối với trẻ nhỏ, giun làm tổn thương niêm mạc ruột gây rối loạn tiêu hóa khiến trẻ ăn không ngon, ngủ không sâu giấc. Do đó, trẻ thường bị suy dinh dưỡng, rối loạn thần kinh, chậm lớn và hay đái dầm.
Bệnh sẽ nguy hiểm hơn nếu giun chui vào ruột thừa và gây viêm nhiễm. Có trường hợp, giun còn xâm nhập vào đường sinh dục hoặc niệu đạo của phụ nữ dẫn đến tình trạng rối loạn tiểu tiện, rối loạn kinh nguyệt và viêm âm đạo.
Trẻ nhỏ có thể bị viêm ruột thừa rất nguy hiểm khi giun chui vào bên trong ruột thừa
Ngoài ra, giun có thể xâm nhập vào hốc mũi, thực quản, phổi,… và gây viêm. Đồng thời, việc gãi ngứa liên tục khiến vùng da quanh hậu môn bị trầy xước, sưng đỏ thậm chí là bị nhiễm trùng. Vì vậy, khi bị nhiễm giun kim bạn nên thăm khám bác sĩ để có biện pháp điều trị tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Nguồn : bau.vn