Ánh sáng xanh là gì? Ánh sáng xanh ảnh hưởng đến mắt như thế nào?

Chúng ta vẫn thường nghe đến những lời khuyên phải hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh. Vậy ánh sáng xanh là gì, có lợi và hại như thế nào? Hãy cùng Bau.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Ánh sáng xanh là gì?

anh sang xanh la gi

Con người có thể nhìn thấy một khoảng ánh sáng gọi là ánh sáng trắng, tạo từ các màu cơ bản: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Ánh sáng xanh là một dải ánh sáng năng lượng cao ( High energy visible- viết tắt là HEV) có bước sóng ngắn từ khoảng 380-500nm nằm trong đó. Ánh sáng xanh thường chia thành ánh sáng xanh tím (380-450nm) và ánh sáng xanh lam (450-500nm).

Ánh sáng xanh thường xuất hiện ở đâu?

 

Có 2 loại ánh sáng xanh:

Ánh sáng xanh tự nhiên: là loại ánh sáng xanh chủ yếu trong ánh nắng mặt trời. Cơ thể con người có thể thích nghi với loại ánh sáng xanh này.

Ánh sáng xanh nhân tạo: là loại ánh sáng xuất hiện ở đèn led, đèn huỳnh quang. Với sự phát triển của công nghệ, ánh sáng xanh nhân tạo ngày càng xuất hiện nhiều trên các thiết bị điện tử: TV, điện thoại, máy tính. Lượng ánh sáng xanh nhân tạo này chỉ là một phần rất nhỏ so với ánh sáng xanh tự nhiên từ mặt trời nhưng do thời gian sử dụng và khoảng cách giữa màn hình khiến các bác sĩ lo ngại về những ảnh hưởng của nó đối với mắt.

Tại sao ánh sáng xanh lại gây hại cho mắt?

anh sang xanh la gi

Chúng ta chắc chắn đã từng nghe tới tia UV sẽ ảnh hưởng tới da và mắt. Tuy nhiên, cấu trúc mắt của người trưởng thành sẽ có khả năng ngăn chặn tia UV tiếp cận võng mạc khá tốt. Trong thực tế, ngay cả kính của bạn không có khả năng chống tia UV, chỉ khoảng bức xạ UV có thể tiếp cận võng mạc.

Ngược lại, ánh sáng xanh thì không như vậy. Hầu như tất cả ánh sáng xanh đều có thể đi qua giác mạc, thủy tinh thể và tác động trực tiếp lên võng mạc của chúng ta, đặc biệt là đối với ánh sáng xanh nhân tạo với khoảng cách tiếp xúc gần với mắt.

Các tác hại tới mắt của ánh sáng xanh là gì?

Đục thủy tinh thể

anh sang xanh la gi

Thủy tinh thể của con người hấp thụ ánh sáng tia cực tím trong suốt cuộc đời và từ từ vàng dần theo thời gian. Đến tuổi 20, nó đã đủ màu vàng để có thể lọc một số ánh sáng nhưng không phải tất cả ánh sáng xanh HEV. Sự hấp thụ ánh sáng trong thời gian dài này sẽ góp phần thúc đẩy sự lão hóa và đục thủy tinh thể. Vì thế, tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử sẽ khiến quá trình đục thủy tinh thể diễn ra sớm hơn.

Thoái hóa điểm vàng

anh sang xanh la gi

Một nghiên cứu chỉ ra rằng ánh sáng xanh nhân tạo phát ra từ các thiết bị điện tử có thể gây ra thoái hóa điểm vàng. Ánh sáng xanh ảnh hưởng tới các phân tử retinol và gây chết các tế bào cảm nhận ánh sáng ở võng mạc

Đối với thực trạng thời gian trung bình sử dụng màn hình các thiết bị điện tử trong ngày tăng cao, cùng với việc trẻ em tiếp xúc với màn hình điện thoại, tivi quá sớm khiến bệnh thoái hóa điểm vàng ngày càng trẻ hóa. Nghiêm trọng hơn, đây còn là bệnh lý phổ biến gây mù lòa.

Hội chứng thị giác màn hình

Là căn bệnh phổ biến nhất liên quan đến nghề nghiệp, lối sống của con người trong xã hội hiện đại, vì phải tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử. Hội chứng thị giác màn hình bao gồm 10 triệu chứng là: mờ mắt, khô mắt, nhức mắt, căng mắt, kích thích mắt, nhìn đôi, mắt khó tập trung, đau đầu, đau cổ, mệt mỏi.

Làm gì để hạn chế tác hại của ánh sáng xanh đối với mắt?

  1. Sử dụng nước mắt nhân tạo hoặc thuốc nhỏ mắt để giữ độ ẩm cho mắt.
  2. Không nên để độ sáng màn hình quá sáng hoặc quá tối, tránh cho mắt phải điều tiết quá nhiều.
  3. Hãy sử dụng kính mắt có khả năng chắn ánh sáng xanh hoặc bật chế độ giảm ánh sáng xanh trên các thiết bị điện tử.
  4. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A,E và omega 3
  5. Nên kiểm tra mắt định kỳ ít nhất 2 lần 1 năm để phát hiện sớm các bệnh về mắt.
  6. Nên để mắt giải lao 2 phút sau mỗi giờ dùng các thiết bị điện tử.
  7. Giữ khoảng các giữa mắt và màn hình máy tính từ 50 – 64cm

Ánh sáng xanh cũng có lợi cho sức khỏe

Theo các nhà khoa học, ánh sáng xanh cũng vẫn có một vài lợi ích cho sức khỏe: tăng cường sự tỉnh táo, cải thiện trí nhớ, nâng cao khả năng nhận thức và cải thiện tâm trạng.

Ánh sáng xanh cũng rất quan trọng trong việc điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể. Nó giúp điều chỉnh chu kỳ thức – ngủ do vậy tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban ngày sẽ giúp duy trì nhịp sinh học bình thường và ổn định.

Ở các nước châu Âu, vào mùa đông, lượng ánh sáng mặt trời thấp cũng dẫn đến nhiều người bị mắc bệnh trầm cảm. Khi đó, ánh sáng xanh còn được sử dụng để điều trị tình trạng trầm cảm theo mùa (SAD).

Nguồn : Sức khỏe 24h