Bắp cải là gì?
Bắp cải, còn được gọi là cải bắp, có tên khoa học là Brassica oleracea. Loại rau này thuộc nhóm Capitata, họ mù tạt Brassicaceae. Bắp cải là loại cây thân thảo với phần thân to và cứng. Phiến lá có màu xanh nhạt và lá xếp ốp vào nhau. Ở Việt Nam, bắp cải có nhiều vào mùa đông. Những loại bắp cải phổ biến hiện nay gồm bắp cải xanh, bắp cải đỏ (tím), bắp cải Savoy và bắp cải Tuscan.
Những lợi ích to lớn của bắp cải với sức khỏe
Bắp cải tốt cung cấp nhiều chất xơ, cho hệ tiêu hóa
Trong bắp cải có nguồn cung cấp chất xơ dồi dào. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, hai chén bắp cải băm nhỏ chứa gần 5 gam chất xơ. Đây là chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể con người, Nó có thể giúp giảm táo bón, cân bằng lượng đường trong máu, giảm mức cholesterol và cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa.
Bắp cải giàu vitamin C
Loại rau xanh này chứa nhiều vitamin C chống oxy hóa. Bắp cải xanh, bắp cải tím và bắp cải Savoy chứa hàm lượng vitamin C cao nhất trong các giống bắp cải.
Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ sắt từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật và tạo ra collagen. Chất này giúp các vết thương mau lành và tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thẻ khỏi những tác động xấu bên ngoài như virus. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta không tự tạo ra vitamin C được. Chính vì vậy, cần bổ sung vitamin từ thực phẩm hàng ngày. Khoảng 100g bắp cải tím (tương đương 1 chén nhỏ) chứa hơn 85% lượng vitamin C. Đây là lượng vitamin C được khuyến cáo tiêu thụ cho cơ thể mỗi ngày.
Giúp ngăn ngừa ung thư
Theo Viện Ung thư Quốc gia, các loại rau họ cải, như bắp cải, chứa lượng lớn hợp chất glucosinolate. Đây chính là chất tạo nên vị đắng của nhiều loại rau họ cải. Glucosinolate đã được nghiên cứu có tác dụng loại bỏ các gốc tự do có hại cho cơ thể.
Ngoài bắp cải, một số loại rau khác cùng họ như cải xoăn, bông cải xanh, mầm Brussels, súp lơ trắng… cũng có tác dụng ngăn ngừa ung thư.
Giúp xương chắc khỏe
Có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ khi biết công dụng này của bắp cải. Trên thực tế, bắp cải chứa một chất dinh dưỡng cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của xương và chức năng đông máu trong cơ thể. Đó là vitamin K. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, có khoảng 68 microgram vitamin K trong một chén bắp cải nấu chín. Ngoài ra, trong bắp cải còn có canxi, magiê và kali. Đây đều là những chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe xương.
Bắp cải hỗ trợ giảm cân
Với những người muốn giảm cân, điều cần thiết là thay thế các thực phẩm giàu calo bằng những thực phẩm không chứa nhiều calo. Do đó, bắp cải là một sự lựa chọn tuyệt vời. Một chén bắp cải nấu chín chỉ chứa 34 calo. Bạn có thể chế biến bắp cải theo nhiều cách như làm salad, nấu chín hoặc làm nước ép.
Chế biến bắp cải thế nào cho đúng cách và giữ được chất dinh dưỡng
Bắp cải có nhiều cách chế biến, tùy theo sở thích và khẩu vị của mỗi gia đình. Những cách chế biến bắp cải phổ biến của người Việt gồm xào, nấu canh, làm dưa, nộm, làm nước ép…
Tuy nhiên, cần lưu ý trong quá trình chế biến, không nên xào, nấu bắp cải quá lâu. Vì như vậy dễ làm mất đi các chất dinh dưỡng có trong bắp cải. Với những người thiếu máu hay bị lạnh bụng, không nên ăn bắp cải sống hay ăn kiểu muối xổi. Vì bắp cải có tính hàn, nên những đối tượng trên khi ăn nhiều sẽ dễ gặp các triệu chứng như tiêu chảy, tay chân lạnh,…
Những ai không nên ăn bắp cải?
Mặc dù chứa nhiều chất dinh dưỡng, nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng bắp cải thường xuyên. Dưới đây là những người nên hạn chế ăn bắp cải:
- Người bị đau dạ dày, thường xuyên chướng bụng, đầy hơi
- Người bị dị ứng, xuất huyết dưới kết mạc
- Người bị cường giáp, bướu cổ
- Người bị suy thận
- Người bị thiếu máu
Với những lợi ích to lớn cùng giá thành phải chăng, bạn hãy bổ sung bắp cải vào bữa ăn hàng ngày để tăng cường sức khỏe cho những người thân yêu nhé!
Nguồn : bau.vn