Bế sản dịch sau sinh: Cách phòng ngừa hiệu quả, tránh dẫn đến viêm âm đạo

Bế sản dịch sau sinh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng không được xử lý sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, gây ra các biến chứng.

Bế sản dịch sau sinh là gì?

Thông thường, sau khi sản phụ sinh em bé (sinh thường và sinh mổ) thì nhau thai sẽ được lấy ra ngoài, lúc này tử cung của người mẹ sẽ co lại tạo thành một khối cầu an toàn, trường hợp tử cung co hồi tốt sẽ giúp cho cầm máu sinh lý và hạn chế tối đa sự mất máu sau sinh.

Cùng với quá trình co hồi tử cung thì các chất dịch từ lòng tử cung hay còn gọi là sản dịch sẽ chảy ra ngoài theo đường âm đạo. Sản dịch được cấu tạo bởi những phần sót lại nước ối, những cục máu đông nhỏ từ vết thương nơi nhau bám, những mảnh vụn của lớp nội mạc tử cung và những chất dịch tiết từ vết thương ở cổ tử cung, âm đạo do sự sinh đẻ gây ra.

be san dich

Bế (tắc) sản dịch sau sinh mổ hoặc sinh thường là tình trạng sản dịch bị ứ đọng lại trong tử cung, không thoát ra ngoài được. Bế (tắc) sản dịch nếu không can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến sản dịch bị nhiễm khuẩn, gây ra tình trạng chảy máu không cầm, rối loạn đông máu cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng sản phụ.

Nguyên nhân dẫn đến tắc sản dịch

Có rất nhiều sản phụ gặp phải tình trạng bế sản dịch sau sinh thường và sinh mổ, các nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là:

  • Do tử cung của sản phụ co hồi chậm vì sản phụ bị mất máu nhiều trong khi sinh.
  • Do tình trạng sức khỏe sản phụ yếu, suy kiệt.
  • Do còn sót nhau.
  • Trương lực cơ tử cung của sản phụ kém do tử cung bị giãn căng quá mức.
  • Các trường hợp thai to, đa thai, đa ối, chuyển dạ trong lúc sinh kéo dài.
  • Do mẹ ít vận động sau sinh.
  • Do cổ tử cung bị đóng kín làm cho sản dịch không thoát ra ngoài được.

Các biểu hiện mẹ cần lưu ý

  • Sản dịch chảy rất ít, có mùi hôi vì bị nhiễm trùng
  • Căng tức vùng hạ vị, thỉnh thoảng có cơn đau âm ỉ
  • Có cục cứng ở bụng, cảm nhận rõ khi sờ
  • Nhiệt độ cơ thể tăng cao
  • Cổ tử cung đóng kín, đau khi ấn đáy tử cung

be san dich

Độ nguy hiểm của bế sản dịch

Bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Biến chứng này bao gồm nhiễm khuẩn máu, rối loạn đông máu, chảy máu không cầm, trong trường hợp nặng có thể phải cắt bỏ tử cung. Vì thế, các sản phụ sau sinh cần hết sức chú ý đến thời kỳ hậu sản của mình. Nếu phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường, tuyệt đối không nên chủ quan mà phải đi khám ngay để có hướng xử trí đúng cách.

Phòng ngừa bế sản dịch sau sinh

1. Nên vệ sinh hợp lý và đúng cách

Sản dịch tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng có hại phát triển rất nhanh, dễ gây ra viêm nhiễm âm đạo và tử cung, do đó cần phải vệ sinh vùng kín đúng cách, thường xuyên thay băng vệ sinh, vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi lần thay băng và giữ cho vùng kín khô ráo.

2. Nên vận động nhẹ nhàng, tránh nằm nhiều

Vận động nhẹ nhàng là cách giúp đẩy sản dịch ra nhanh mà vô cùng hiệu quả. Mặc dù nghỉ ngơi giúp sản phụ nhanh lại sức nhưng nếu không muốn bịbế sản dịch sau sinh mổ hoặc sinh thường thì nên vận động nhẹ nhàng, liên tục.

3. Cho bé bú càng sớm càng tốt

Cho con bú sẽ giúp kích thích tử cung co bóp để đẩy sản dịch ra ngoài. Chính vì thế, một trong những cách giúp sản phụ không bị bế sản dịch sau sinh thường hay sinh mổ chính là cho con bú càng sớm càng tốt.

be san dich

Đặc biệt, các sản phụ không nên nằm bắt chéo chân ngay sau khi sinh, không nịt bụng quá chặt, không nên lau vùng kín bằng các loại giấy thô, khăn ướt có mùi hương, hóa chất, không nên tự ý dùng xà phòng hay dung dịch vệ sinh, không thụt rửa âm đạo tránh gây tổn thương cho vùng kín, không nên sử dụng bồn tắm, không nên sử dụng tampon trong 4 – 6 tuần sau sinh để giúp phòng ngừa bế sản dịch sau sinh thường, sinh mổ hiệu quả.

Sản phụ sau sinh thấy lượng sản dịch ra ít, có các biểu hiện bất thường như: sốt nhẹ, sờ bụng thấy có cục cứng, căng đau vùng hạ vị thì không nên chậm trễ, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, tránh để lâu dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

 

 

Nguồn : bau.vn