Cảnh báo lối sống “cú đêm” cực kì gây hại cho sức khỏe

Tại Việt Nam, lối sống "cú đêm" đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ. Sự phát triển của công nghệ, áp lực công việc, học tập, cùng với sự hấp dẫn của các hoạt động giải trí về đêm đã khiến nhiều người trẻ hình thành thói quen thức khuya.

Tình trạng “cú đêm”  không chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn, mà còn lan rộng đến các khu vực nông thôn, nơi giới trẻ tiếp cận với internet và các hình thức giải trí trực tuyến ngày càng dễ dàng, bác sĩ Đặng Nhất Tâm, Phó Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhận định.

Đặc biệt, các nhà khoa học gọi nhóm thích thức khuya – ngủ nướng là “cú đêm” bởi họ có đặc điểm phân bổ thời gian trong ngày chẳng khác gì loài cú. Khảo sát cho thấy họ thường cảm thấy rất hăng hái vào buổi tối nhưng đến sáng lại uể oải. Vì thường xuyên đi ngược quy luật tự nhiên nên đồng hồ sinh học của cơ thể bị đảo ngược hoàn toàn. Kết quả là sức khỏe giảm sút, hệ thống miễn dịch ngày càng yếu đi, bệnh tật ngày càng nhiều.

Thói quen thức khuya gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe (ảnh minh họa)

Trong đó, rối loạn giấc ngủ gây các vấn đề về trí nhớ, mức độ tập trung, ảnh hưởng cuộc sống và hiệu quả công việc. Tình trạng này kéo dài còn làm gia tăng tần suất bệnh ung thư, dạ dày, hen, COPD, thận, gan, cơ xương khớp, bệnh lý liên quan hệ miễn dịch… Nhóm người trẻ tuổi mắc rối loạn giấc ngủ có nguy cơ cao hơn về giảm năng suất làm việc, thiếu tập trung.

Tương tự, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhận định thói quen ngủ muộn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng béo phì, gây rối loạn hormone, giảm tốc độ trao đổi chất, tăng cảm giác thèm ăn và ảnh hưởng sự cân bằng đường huyết. Thức khuya có thể khiến cơ thể sử dụng đường trong máu không hiệu quả, chất béo tích tụ nhiều hơn gây ra bệnh tiểu đường type 2.

Ngoài ra, người ngủ không đủ giấc nhiều đêm không chỉ xuất hiện quầng thâm dưới mắt mà còn làm da xấu đi vì mất độ ẩm, giảm độ pH, dẫn tới xỉn màu. Làn da trông thiếu sức sống, thậm chí già đi so với tuổi thật. Chất lượng giấc ngủ kém dẫn đến hormone tăng trưởng sản xuất hạn chế, ức chế sản xuất collagen khiến da mất đi độ săn chắc, dễ nổi mụn và kích ứng.

Nhiều bằng chứng khoa học còn cho thấy hiện tượng rối loạn đồng hồ sinh học chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến trạng thái tâm lý u sầu và rối loạn lo âu, trầm cảm. Ở người bình thường, buổi sáng là thời gian cảm thấy khoan khoái, đầy năng lượng. Ngược lại, với những “cú đêm”, phong độ tinh thần tồi tệ vào buổi sáng, mãi đến tối mới cải thiện. Chu kỳ ngủ và thức của họ cũng bị rối loạn, giấc ngủ thường quá dài hoặc quá ngắn.

Ngủ ít hơn 7 tiếng hoặc nhiều hơn 9 tiếng mỗi ngày cũng làm gia tăng tần suất đột quỵ, nhất là xuất huyết não. Nếu ngủ đúng chu kỳ, khoảng 7-9 tiếng mỗi ngày, các cơ quan trong cơ thể sẽ được nghỉ ngơi để nạp năng lượng, sắp xếp lại mọi thứ và bắt đầu một chu kỳ mới.

Một số lưu ý để có giấc ngủ ban đêm như cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, duy trì thói quen ngủ và thức dậy cùng một giờ mỗi ngày, thư giãn bằng đọc sách, nghe nhạc, chọn nơi ngủ thoải mái, sạch sẽ, yên tĩnh, nhiệt độ và ánh sáng thích hợp…

Hạn chế sử dụng điện thoại và thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Nên dừng mọi hoạt động với màn hình ít nhất 30 phút trước giờ ngủ. Không sa vào tranh cãi, lo lắng công việc. Cố gắng giữ tinh thần thoải mái, bởi nếu căng thẳng mất ngủ thì hôm sau sẽ uể oải, hiệu quả công việc kém, càng không giải quyết được mọi việc.

Mọi người nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh với thực phẩm giàu dinh dưỡng, không ăn quá no vào buổi tối hoặc sử dụng các chất kích thích gây khó ngủ. Thường xuyên vận động, rèn luyện thể chất cũng giúp dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề bất thường. Khi có dấu hiệu rối loạn giấc ngủ, nên đến gặp bác sĩ, chuyên gia tư vấn về giấc ngủ để được chẩn đoán tình trạng, có phương pháp hỗ trợ phù hợp. Không tự ý mua thuốc điều trị, có thể gây lệ thuộc thuốc và biến chứng nguy hiểm. Một số trường hợp, bệnh nhân không cần dùng thuốc, chỉ cần điều chỉnh các thói quen, sắp xếp lại cuộc sống đã có thể cải thiện tình trạng này. Đôi khi, rối loạn giấc ngủ lại xuất phát từ một số bệnh lý khác, cần tầm soát, điều trị nguyên nhân gốc rễ mới giải quyết được bệnh.

Nguồn : bau.vn