Cô gái 10X “phù phép” những vật phẩm tái chế thành tác phẩm nghệ thuật

Từ những mảnh gỗ, nắp chai nhựa, len vụn đến cành cây đều tưởng chừng như không thể sử dụng song qua bàn tay của cô gái Đỗ Huyền Trang (SN 2000)- sinh viên năm 3 Học viện Tài Chính lại trở thành những tác phẩm độc đáo.

Biến đam mê hội họa thành điều có ích

Là một sinh viên khoa Kế toán doanh nghiệp, công việc ngỡ như khô khan nhưng Trang lại có tình yêu đặc biệt với hội họa. Thế nhưng, những bức tranh của Trang lại vô cùng độc đáo vì chất liệu không phải là giấy hay tường mà là từ những vật phẩm tái chế. Những nắp chai, ống hút, cành củi khô… tưởng như vật vô tri mà lại trở thành linh hồn của một bức tranh.

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được Trang, một cô bé sinh viên nhỏ nhắn, gương mặt luôn rạng rỡ đầy sức sống. Trang nâng niu từng bức tranh mang ra cho tôi xem, mỗi bức chứa đựng tài năng sáng tạo, tâm huyết và cả thông điệp muốn truyền tải. Đôi bàn tay nhỏ nhắn mà khéo léo ấy đã tái tạo biết bao phế phẩm thành những bức tranh nghệ thuật. Người ta thường nói nghệ thuật chỉ là cái đẹp mà thôi, nhưng với Trang, muốn biến nghệ thuật thành những điều có ích, thực tế hơn.

hoi hoa

Đỗ Huyền Trang với bàn tay “phù phép” những vật liệu tái chế thành bức tranh đá độc đáo

Tình yêu với hội họa không chỉ dừng lại trên những trang giấy, cô sinh viên năm 2 muốn biến hội họa thành điều có ích cho cuộc sống. Vừa bảo vệ được môi trường vừa có thể thỏa đam mê sáng tạo là nguồn cảm hứng to lớn để Trang tiếp tục. Khi được hỏi về ý tưởng kết hợp những đồ tái chế thành tranh Trang chia sẻ: “Ban đầu em thấy những sợi len vụn vỏ hộp bánh, những nắp chai nhựa không thể tái sử dụng, bỏ đi lại rất ảnh hướng đến môi trường nên em quyết định thử kết hợp chúng lại làm nguyên liệu cho những bức vẽ.”

Khi phế phẩm là nguyên liệu sáng tạo nghệ thuật

Nguyên liệu được Trang tìm từ chính trong căn nhà của mình như những sợi len thừa của mẹ, vỏ hộp bánh, những miếng gỗ đã bỏ đi, sỏi đá nhặt từ con suối gần nhà… Cô hào hứng chia sẻ: “Từ ngày em sử dụng những vật dụng đã bỏ đi làm nguyên liệu vẽ, căn nhà của em sạch sẽ gọn gàng hơn rất nhiều. Những vỏ hộp bánh cũ hay nắp chai nhựa trước đây chỉ bỏ vào thùng rác, nếu chưa kịp vứt đi rất bừa bãi bây giờ chúng lại biến thành những bức tranh trang trí cho ngôi nhà của em”.

hoi hoa

Một số bức tranh được tái chế từ đá cuội, hộp bánh kẹo do tự tay Huyền Trang làm

hoi hoa

Huyền Trang là cô gái rất có năng khiếu hội họa, hiện tại Trang đang trau dồi kỹ năng vẽ trên giấy.

Qúa trình làm ra một bức tranh không quá lâu. Điều đầu tiên là vẽ ý tưởng, phác họa bản thảo, xác định các vật liệu cần dùng trong tranh. Sau đó tìm kiếm nguyên liệu, các nguyên liệu là chế phẩm gần gũi với mọi người dễ dàng tìm thấy. Các nguyên liệu phải được làm sạch, hong thật khô nếu không sẽ xảy ra hiện tượng nấm, mốc, tróc sơn sau khi vẽ. Từ hình dáng sơ khai, người vẽ sẽ dùng nhãn quan nghệ thuật để tạo hình cho phù hợp. Nghe có vẻ đơn giản nhưng cần đòi hỏi sự tính toán, sắp xếp cặn kẽ của người làm, phối màu và các chất liệu làm sao cho phù hợp.

Đam mê được lan tỏa

Từ khi biết con đam mê hội họa, gia đình Trang luôn ủng hộ. Đặc biệt, có lẽ Trang được hưởng tài năng nghệ thuật từ người bố. Sự ủng hộ từ gia đình như tiếp thêm động lực cho cô bé lan truyền tình yêu với nghệ thuật tới mọi người. Trang và những người bạn cuối tuần đến bệnh viện K để dạy vẽ tranh cho các em nhỏ đang điều trị ở đây. Mong muốn của Trang là vẽ có thể giúp các em nhỏ ở đây quên đi nỗi đau bệnh tật đang hành hạ.

hoi hoa

Huyền Trang cùng các bạn trong câu lạc bộ tới bệnh viện K dạy vẽ tranh cho các em nhỏ

Những đứa trẻ hàng ngày đang chịu đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác như được xoa dịu bằng những giờ học vẽ. “Em và các bạn trong câu lạc bộ hay thu gom những phế liệu, làm sạch rồi mang đến cho các em nhỏ”. Hình ảnh một em bé đang vẽ tranh đột nhiên ngất trong lớp học, nhưng trên tay vẫn giữ chặt bức tranh đang vẽ. Đó là khoảnh khắc Trang nhớ nhất khi nói về lớp học vẽ ở bệnh viện K. Hay những lúc chỉ mới bước chân đến cửa khoa Nhi, các em tươi cười, ùa ra để đón. Có lẽ, đây là niềm vui hiếm hoi mà các em nhỏ ở đây mong chờ. Trong quá trình dạy vẽ, Trang có lồng ghép những bài học về bảo vệ môi trường, biết tái chế những đồ bỏ đi. Tranh của các em nhỏ được giữ lại để tặng bố mẹ và người thân, có một số tranh thì bán để gây quỹ mua các dụng cụ học tập và trang trải những hoạt động.

Vừa học tập vừa tham gia nhiều hoạt động, thế nhưng Huyền Trang vẫn luôn làm tròn trách nhiệm của người sinh viên. Năng nổ, hoạt bát và tràn đầy sự sáng tạo là những ấn tượng khi tiếp xúc với Huyền Trang. Mong rằng trong tương lai cô gái tài năng này có thể lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường của mình một cách rộng rãi hơn.

Nguồn : Sức khỏe 24h