Ăn dặm là cột mốc đánh dấu bước trưởng thành của con trẻ. Hành trình ăn dặm cho bé luôn cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng của mẹ. Trong bài viết này hãy cùng Bau.vn tham khảo những nguyên tắc “vàng” khi cho bé ăn dặm nhé!
1. Lựa chọn thời điểm thích hợp
Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, 6 tháng là độ tuổi thích hợp để trẻ bắt đầu ăn dặm. 6 tháng là lúc hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển tương đối hoàn thiện. Bé có thể hấp thu được các thức ăn ngoài sữa mẹ. Lúc này sữa mẹ cũng không còn cung cấp đủ dưỡng chất, nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày cho các bé. Vì thế con cần nạp các dinh dưỡng từ thực phẩm thiết yếu bên ngoài.
Thời điểm ăn dặm của trẻ nên bắt đầu từ lúc 6 tháng và kết thúc khi trẻ 24 tháng tuổi. Dấu hiệu để mẹ chắc chắn rằng con có thể ăn dặm là: Cân nặng của trẻ gấp đôi so với lúc mới sinh. Trẻ có thể giữ thẳng đầu và biết ngồi. Khoảng thời gian trẻ có thể ngồi thẳng ít nhất là 30 phút. Lúc này trẻ cần có phản xạ cầm, nắm và nhai, nuốt thức ăn. Con cần biết đưa miệng ra đón thức ăn, dùng lưỡi để đẩy thức ăn vào trong và nuốt thức ăn xuống.
Mẹ cần phân biệt các dấu hiệu trên với việc trẻ ngậm tay, đòi ăn nhiều sữa hoặc hay tỉnh giấc. Đây không phải là dấu hiệu của trẻ ăn dặm. Nhiều gia đình cho con ăn dặm khi mới 5 tháng tuổi. Điều này cần có sự tư vấn chỉ định của bác sĩ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
2. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ ăn dặm cho bé
Ngoài lựa chọn thời điểm, việc chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cho trẻ ăn dặm cũng vô cùng quan trọng. Mẹ cần chuẩn bị cả dụng cụ ăn dặm và đồ dùng chế biến thức ăn cho trẻ.
Các đồ dùng chế biến:
- Máy xay thức ăn
- Bộ chế biến đồ ăn dặm
- Khay đá trữ đông lạnh
- Dụng cụ đo lường
- Dao cắt hình răng cưa cho trẻ ăn dặm BLW
Dụng cụ cho trẻ ăn dặm:
- Ghế ăn dặm
- Yếm ăn, khăn giấy
- Bát, thìa, khay đựng thức ăn
- Cốc tập uống nước
Khi lựa chọn đồ ăn cho bé, mẹ cần chọn các nguyên liệu an toàn. Các vật làm từ nhựa không được chứa BPA. Đặc biệt là thìa, bát không dẫn nhiệt gây bỏng, nóng cho trẻ. Đồ nấu cần tách riêng đồ sống với đồ chín. Mẹ không nên cho bé dùng chung đồ với cả gia đình để tránh các bệnh truyền nhiễm.
3. Nguyên tắc khi cho trẻ ăn dặm theo từng phương pháp
Việc lựa chọn phương pháp ăn dặm cho trẻ cũng là điều vô cùng quan trọng. Mỗi phương pháp có một cách chế biến và một nguyên tắc riêng.
Nếu ăn dặm truyền thống, mẹ sẽ cho con ăn cháo hoặc bột xay nhuyễn cùng các củ quả. Bột ăn dặm chỉ đặc hơn sữa mẹ một chút cho trẻ làm quen dần. Với phương pháp này em bé sẽ được bế hoặc ngồi tùy ý và mẹ sẽ cho bé ăn từ đầu đến cuối.
Đối với ăn dặm kiểu Nhật, mẹ cần cho con ăn cháo nhuyễn lọc qua rây theo tỉ lệ 1:10. Trộn cùng đó là củ quả chín nghiền, xay có độ đặc nhất định, trộn cùng nước dashi.
Khi cho trẻ ăn dặm tự chỉ huy BLW, mẹ sẽ cắt răng cưa các củ quả đã hấp chín, vừa miệng và vừa tay con cầm. Cần tập cho con ngồi đúng tư thế để tự ăn uống theo ý thích của mình.
Nguyên tắc chung của các phương pháp ăn dặm cho bé:
- Không nêm gia vị mắm, muối, đường hoặc phụ gia vào đồ ăn của trẻ dưới 12 tháng tuổi
- Không ép trẻ ăn, để trẻ tự ăn uống theo nhu cầu của mình
- Rèn thói quen tập trung ăn cho trẻ, không để trẻ xem TV, chơi đồ chơi khi ăn
- Giúp con ngồi đúng tư thế ngay từ ban đầu
- Đồ ăn cần chế biến từ nguyên liệu sạch, đảm bảo an toàn
- Tuân thủ nguyên tắc của từng phương pháp
- Khi cho trẻ ngồi ghế ăn cần cài quai an toàn.
- Không rời mắt khỏi con trong suốt quá trình ăn dặm
- Theo dõi, phát hiện kịp thời các biểu hiện hóc, nghẹn của trẻ. Đồng thời tham khảo các cách sơ cứu khi con gặp phải tình trạng này.
- Loại bỏ hạt của các loại quả. Không cho con ăn các đồ dễ hóc, nghẹn.
Trẻ mới tập ăn dặm nên ăn bao nhiêu cho đủ?
Một nguyên tắc mẹ cần nhớ khi cho trẻ ăn dặm đó là đi từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều. Những ngày đầu ăn dặm con sẽ thường ăn rất ít. Giai đoạn 6 -12 tháng, con vẫn cần sữa mẹ và sữa công thức là nguồn dinh dưỡng chủ yếu. Ăn dặm chỉ là một khởi đầu cho con làm quen và hình thành các kĩ năng ăn uống sau này.
Ở thời điểm này mẹ không nên thúc ép con ăn. Nên để trẻ tự ăn theo nhu cầu của mình. Mẹ chỉ cần đứng ngoài quan sát phản ứng của trẻ đối với đồ ăn. Mẹ cũng không nên can thiệp bất cứ điều gì vào quá trình ăn của trẻ như đút, lau tay hay lau miệng.
Lần đầu cho con ăn, mẹ lấy ít đồ ăn và cho bào bát con nhỏ. Cho bé ăn bằng thìa loại nhỏ chỉ tầm 5ml. Lấy từng chút thức ăn một vào miệng cho con làm quen dần với mùi vị thức ăn. Mẹ có thể cho bé ngồi ăn cùng gia đình để tạo cảm giác hứng thú, vui vẻ. Chính vì thế mẹ nên sắp xếp thời gian biểu hợp lí để kết hợp các cữ sữa cho con quen với việc ăn vào thời điểm này.
Trên đây là những nguyên tắc khi cho trẻ ăn dặm. Mong rằng với các kiến thức trên mẹ sẽ thành công với hành trình này!
Nguồn : bau.vn