Cơn khóc lặng ở trẻ đôi khi khiến người lớn suýt “đứng tim”. Bởi con đang khóc lại nín thở, tím tái mặt mũi và ngất xỉu. Vậy khóc lặng ở trẻ là gì, nguyên nhân là do đâu, biểu hiện và cách xử lý tình trạng này như thế nào? Cha mẹ hãy cùng đọc bài viết dưới đây của Bau.vn nhé!
Tình trạng khóc lặng ở trẻ là gì?
Tình trạng khóc lặng ở trẻ có thể xuất hiện khi con từ 6 tháng – 6 tuổi, đặc biệt thường gặp nhất là ở trẻ 1 – 3 tuổi. Cứ 100 trẻ sẽ có 5 trẻ rơi vào tình trạng này khi khóc. Cơn khóc lặng sẽ thường xảy ra khi bé bắt đầu khóc lớn, giận dữ và sợ hãi, cũng có thể con bị chấn thương gây sốc.
Biểu hiện của khóc lặng là bé hít vào rồi nín lặng, không thở ra, miệng há rộng như muốn khóc khi không thể phát ra tiếng được. Lúc này, hệ thần kinh của con làm cho nhịp tim và nhịp thở bị chậm lại trong một khoảng thời gian ngắn và đây cũng là lý do khiến con trở nên xanh tím, nhợt nhạt và thậm chí ngất xỉu.
Những cơn khóc lặng thường xuất hiện và kết thúc trong khoảng 30 – 60 giây, con sẽ thở lại và bắt đầu khóc, da cũng trở lại như bình thường. Đây được gọi là phản xạ cơ thể khi có kích thích khó chịu, hoàn toàn không phải hành vi phản kháng có ý thức của trẻ.
Có 2 dạng khóc lặng thường thấy, đó là:
-
Cơn khóc lặng xanh tím
Do trẻ thay đổi kiểu thở, thường xuất hiện khi con tức giận và cáu gắt, và đây được xem là dạng hay gặp nhất. Khi con khóc hoặc đang nổi nóng, bé sẽ hít vào một hơi rồi nín thở, mặt mày da dẻ của con nhanh chóng trở nên xanh tím, đặc biệt là vùng quanh miệng.
-
Cơn khóc lặng nhợt nhạt
Ít hay gặp hơn, do nhịp tim chậm lại và thường xuất hiện khi con gặp phải đau đớn, chấn thương. Biểu hiện thường gặp là trẻ hít vào rồi nín thở, nhịp tim trở nên chậm hơn, da nhợt nhạt, mồ hôi đổ ra nhiều và con cảm thấy rất mệt mỏi khi dứt cơn. Những bé này khi lớn lên sẽ thường dễ bị ngất xỉu trong nhiều trường hợp.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khóc lặng ở trẻ là gì?
Có nhiều nguyên nhân sâu xa hơn khi dẫn đến những cơn khóc lặng ở trẻ nhưng vẫn chưa được làm sáng tỏ. Đến khoảng 1/3 trẻ khóc lặng có tiền sử bắt nguồn từ gia đình và những cơn khóc tương tự. Một số trẻ rơi vào tình trạng khóc lặng có liên quan đến thiếu máu, thiếu sắt hoặc khi cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu. Phần lớn nguyên nhân khiến con khóc lặng không mang bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn nào.
Cha mẹ cần làm gì khi con khóc lặng?
Khi con khóc lặng, cha mẹ cần thực hiện các bước sau để tránh làm tình trạng nguy hiểm hơn:
- Không nên dốc ngược con xuống, lay gọi hoặc hắt nước vào trẻ vì việc làm này không làm ngưng cơn khóc lặng được
- Đừng quá hoảng loạn, thường những cơn khóc lặng sẽ kết thúc trong vòng 1 phút
- Trấn an trẻ và người lớn đang có mặt tại chỗ rằng cơn khóc này sẽ sớm qua, sẽ không mang lại nguy hiểm cho bé
- Nên đặt trẻ nằm nghiêng, theo dõi cho đến khi cơn khóc lặng qua đi
- Tuyệt đối không được đưa bất kỳ vật gì vào miệng trẻ, kể cả ngón tay để giúp thông thoáng đường thở. Nếu con có những biểu hiện co giật, bạn nên giữ đầu, tay và chân trẻ, không để chạm vào những vật cứng hoặc sắc nhọn để tránh những tổn/chấn thương
- Có thể trẻ bị ngã và chấn thương trong cơn khóc lặng, hãy nhanh chóng đưa con đi khám bác sĩ
- Nhiệm vụ của cha mẹ là hãy đối xử với con bình thường, nhẹ nhàng mềm mỏng nhưng tuyệt đối không quá nuông chiều trẻ, không trừng phạt hay khen thưởng vì điều này cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến những cơn khóc lặng.
Nếu như các cơn khóc lặng xảy ra quá thường xuyên, thậm chí là vài lần mỗi ngày có thể nằm trong khuôn khổ của tình trạng nhưng vẫn nên đưa trẻ đi thăm khám để được kiểm tra kỹ lưỡng hơn. Nếu như khoảng hơn 1 lần mỗi tuần, mẹ cũng nên đưa bé đi khám để phát hiện sớm tình trạng thiếu máu thiếu sắt.
Đặc biệt, khi trẻ có dấu hiệu co giật, cứng đơ người hơn 1 phút và mất một lúc lâu cơ thể mới hồi tỉnh thì cha mẹ vẫn nên đưa trẻ đi kiểm tra kỹ, đây có thể không chỉ là một cơn khóc lặng ở trẻ đơn thuần.
Nguồn : bau.vn