Nước vối là loại nước được pha chế từ lá vối hoặc nụ của cây vối.
Nước vối một trong những loại nước uống quen thuộc không chỉ được sử dụng nhiều ở nông thôn mà còn trở nên thông dụng cả ở những thành thị – Đặc biệt là ở các tỉnh thành miền Bắc Việt Nam.
Công dụng của nước vối
- Không chỉ là thức uống giải khát, thanh nhiệt, mát gan mà nước vối còn cung cấp một lượng nước và khoáng chất đã mất trong ngày. Bên cạnh đó, tác dụng lợi tiểu của nước vối giúp loại bỏ các độc tố trong cơ thể và được ứng dụng trong giảm cân.
- Cải thiện tình trạng tiêu hóa: bảo vệ niêm mạc ruột, kiềm hãm và chống lại các vị khuẩn gây hại trong đường ruột. Được ứng dụng trong điều trị tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu, viêm đại tràng.
- Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: do lá vối, nụ vối có chứa hàm lượng cao polyphenol – hoạt chất có khả năng kiểm soát lượng đường máu. Ngoài ra giảm một số triệu chứng của bệnh nhờ một số thành phần khác làm ức chế α – glucosidase. Từ đó làm giảm các biến chứng lên hệ thần kinh, các tuyến nội tiết trong cơ thể làm gián tiếp ảnh hưởng tới khả năng cương dương, việc sản xuất testosterone ở nam giới.
- Dùng thường xuyên một lượng nước vối phù hợp (300 – 1500ml nước vối loãng) sẽ giúp bạn loại bỏ lượng mỡ xấu trong cơ thể, hạ lipid máu. Đồng thời các chất chống oxy hóa có trong nước vối được chiết xuất từ lá và nụ vối có tác dụng ngăn chặn các gốc tự do làm giảm các tế bào ung thư, bảo vệ các tế bào β tuyến tụy…
Những điều cần lưu ý trong sử dụng nước lá vối
- Không uống khi đói vì lá vối có tác dụng kích thích tiêu hóa làm tăng nhu động ruột. Do đó uống nước vối khi bụng rỗng sẽ khiến bạn cồn cào, khó chịu.
- Sử dụng lá vối khô sẽ tốt hơn. Vì trong lá vối tươi thường chứa đựng lượng chất kháng khuẩn nhiều hơn. Nếu sử dụng kéo dài có thể vô tình tiêu diệt cả những lợi khuẩn trong cơ thể.
- Nên chia ra làm nhiều lần uống trong ngày, không uống nước vối nhiều một lúc.
- Không uống ngay sau ăn: vì có thể ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn.
- Không uống cùng một số thuốc có thành phần tương tác với các chất trong lá vối làm giảm công dụng của thuốc điều trị.
Cách pha nước lá vối, nụ vối
- Sử dụng lá, nụ vối tươi: dùng 5 – 7 lá vối tươi đem rửa sạch cho vào bình (tích) hãm cùng 1.5 – 2 lít nước đun sôi. Để khoảng 15 phút sau là bạn có thể thưởng thức nước vối tươi xanh mát.
- Dùng lá vối khô để hãm chè: bạn cũng dùng tương đương khi tươi, lấy 5 – 7 lá đem rửa sạch hãm cùng ít nước sôi rồi lược bỏ nước đầu. Tiếp đó cho 1.5 lít nước sôi vào hãm cùng lá vối, sau 10 – 15 phút nước vối cho ra màu nâu nhạt là có thể dùng được.
Một số bài thuốc từ nước vối
- Giảm mỡ máu: 15 – 20gr nụ vối, đem hãm lấy nước uống trong ngày hoặc sắc thành nước đặc chia đều làm 3 lần uống trong ngày. Dùng thường đều đặn trong thời gian dài sẽ thu được kết quả như ý muốn.
- Hỗ trợ điều trị tiểu đường: Nụ vối 15 – 20gr sắc cùng 400ml nước tới 100ml thì tắt bếp. Dùng 3 lần/ ngày và các ngày tiếp theo sẽ thấy hiệu nghiệm.
- Cầm tiêu chảy: Đem 3 lá vối tươi được rửa sạch cùng vỏ ổi rộp 8gr, núm quả chuối tiêu 10gr, tất cả thái nhỏ phơi khô. Sau đó sắc cùng 400ml nước đến khi còn 100ml thì lấy chia uống 2 lần/ngày. Dùng liên tục từ 2 – 3 ngày sẽ thấy hiệu quả.
- Trị đầy bụng, không tiêu: Dùng 10 – 15gr nụ vối, sắc cùng 400ml nước, đun sôi còn 100ml nước đặc thì chia làm 3 lần uống trong ngày.
Nguồn : bau.vn