Sốt là một trong những biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên, đến nay vẫn có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh việc chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà , bởi thế không ít bố mẹ cảm thấy hoang mang khi hạ sốt cho trẻ. Chẳng hạn như việc trẻ sốt có được tắm hay không, chườm cho trẻ như thế nào thì mới có tác dụng hạ sốt…
Tâm lý chung của bố mẹ là sợ con sốt cao sẽ bị co giật
1. Trường hợp nào trẻ sốt có thể tắm được, trường hợp nào không nên tắm?
Theo các bác sĩ, nếu trẻ sốt, đã uống hạ sốt xong trẻ hạ nhiệt, ăn, chơi tươi tỉnh bình thường thì bố mẹ vẫn có thể vệ sinh, tắm rửa bình thường cho con.
Còn những trường hợp trẻ đang sốt, thân nhiệt không ổn định, cơ thể yếu, nếu bố mẹ đem con vào tắm, trẻ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn các bệnh khác.
Nếu trẻ hạ sốt, bố mẹ hoàn toàn có thể vệ sinh bình thường cho con
2. Bé sốt dưới 38,5 độ, chưa đến mức uống thuốc hạ sốt thì phải làm gì để giúp trẻ dễ chịu hơn?
Trong trường hợp trẻ sốt chỉ âm ấm, chưa sốt cao đến 38,5 độ thì bố mẹ nên thực hiện các biện pháp sau để giúp trẻ dễ chịu và hạ sốt:
– Mặc đồ thoáng mát như áo phông, quần đùi.
– Tắt máy lạnh, mở cửa cho phòng thoáng mát, để trẻ chơi trong nhiệt độ phòng, tránh đưa trẻ đến những nơi có gió lùa.
– Bổ sung nước, nước hoa quả, nước cam nước chanh để thanh lọc cơ thể (không nhất thiết phải uống nước bù điện giải vì loại này trẻ rất khó uống)…
Nếu làm các biện pháp này mà trẻ vẫn không hạ sốt, bố mẹ nên theo dõi nhiệt độ của con, nếu sốt cao trên 38,5 độ C thì nên uống thuốc hạ sốt đúng liều lượng.
3. Một lần trẻ bị sốt co giật, lần tới liệu trẻ có bị sốt co giật nữa hay không?
Trẻ bị sốt co giật lần đầu nên được bác sĩ khám. Đây chỉ là một triệu chứng dưới 1 bệnh nền nào đó nên cần đưa đi khám để xem trẻ có bệnh lý nào khác không hay là sốt co giật lành tính.
Và theo nhiều nghiên cứu, trẻ có tiền căn sốt co giật trước, cha mẹ, anh chị em trong nhà bị sốt co giật thì những lần sốt tới trẻ có nguy cơ sốt co giật cao hơn những bạn khác.
4. Trẻ bị sốt thì nên lau/chườm nước mát hay nước ấm?
Lau nước lạnh sẽ làm lỗ chân lông co lại, giữ nhiệt độ cơ thể cao, không hạ nhiệt được, do đó không có lý do gì lại lau nước lạnh cho trẻ đang bị sốt.
Khi trẻ sốt, phải đo nhiệt độ xem đã đến mức phải uống thuốc hạ sốt hay chưa, đồng thời quan sát tri giác của trẻ xem trẻ có tỉnh táo, có ăn, có chơi không. Nếu trẻ sốt 38,5 độ trở lên hãy cho trẻ uống 1 liều thuốc hạ sốt đúng liều lượng. Sau khi đã uống thuốc hạ sốt rồi, khoảng 30 phút mà nhiệt độ của trẻ vẫn tăng cao, trẻ có dấu hiệu mệt, li bì, run lên, tay chân lạnh, lúc đó nên chườm ấm cho con.
5. Trẻ vừa uống thuốc hạ sốt thì bị ói ra, vậy làm thế nào để bù thuốc cho con, đảm bảo vẫn có tác dụng hạ sốt lại không bị quá liều?
Nếu trẻ bị hạ sốt và ói ra liền, ra hết thì nên dùng phương pháp hạ sốt khác như thuốc nhét hậu môn.
Trường hợp trẻ ói ra, bố mẹ đo nhiệt độ cơ thể con đã hạ một chút, theo dõi thấy con tỉnh táo, chơi được thì không cần uống hạ sốt lại ngay mà nên tiếp tục theo dõi con.
Nếu 10 – 15 phút sau khi uống thuốc hạ sốt trẻ mới ói và ói 1 ít thôi thì nên quan sát, theo dõi tri giác của trẻ để xem có cần uống thuốc hạ sốt tiếp hay không, nếu có thì uống từ từ.
6. Thuốc hạ sốt có nhiều dạng, dạng gói pha, dạng nước, dạng nhét hậu môn, vậy nên chọn loại thuốc hạ sốt nào cho trẻ?
Bố mẹ có thể chọn bất cứ loại thuốc hạ sốt nào, chỉ cần chú ý cho con uống đúng liều lượng
Bố mẹ có thể chọn loại thuốc hạ sốt nào cũng được như thuốc bột, thuốc siro, thuốc nhét hậu môn…, miễn là phù hợp với trẻ và phải chú ý đến liều lượng phù hợp với cân nặng của trẻ (10-15mg/kg) để trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
Loại nào mà trước đó con uốngthấy hiệu quả, hạ sốt nhanh thì bố mẹ cứ dùng loại đó.
Đối với loại viên đạn nhét hậu môn thì có thể dùng trong trường hợp trẻ hay nôn ói, trẻ sốt về đêm mà đang ngủ say.
Nguồn : Sức khỏe cộng đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/lang-nghe-bac-si-nhi-khoa-giai-dap-tre-bi-sot-co-tam-duoc-khong-a183952.html