Phòng ngừa bệnh chân tay miệng là việc làm cần thiết để bảo vệ con khỏi sự lây lan, đặc biệt là thời điểm các trẻ con đang đi học. Dưới đây là những biện pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cực cao dành cho các bé!
Cách phòng ngừa bệnh chân tay miệng của trẻ
1. Phòng ngừa chân tay miệng bằng cách giữ vệ sinh cá nhân
Đây là phương pháp hiệu quả giúp phòng ngừa được bệnh tay chân miệng và nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác. Mẹ nên hướng dẫn trẻ vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Không nên cho trẻ dùng chung đồ dùng cá nhân với người lớn chẳng hạn như khăn tắm, khăn mặt…
2. Giữ vệ sinh ăn uống
Khi nấu thức ăn cho trẻ, mẹ cần vệ sinh tay và dụng cụ nấu ăn sạch sẽ. Đảm bảo cho trẻ ăn chín uống sôi. Không nên cho trẻ mút tay hay bốc thức ăn, khử trùng thìa, bát trước khi cho trẻ ăn.
3. Thường xuyên vệ sinh không gian vui chơi và làm sạch đồ chơi của trẻ
Mẹ nên chú ý vệ sinh không gian vui chơi của trẻ, đặc biệt là những nơi mà trẻ hay tiếp xúc như mặt bàn, mặt ghế, sàn nhà. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên làm sạch đồ chơi của trẻ mỗi ngày. Không nên cho trẻ ngậm, mút đồ chơi.
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị chân tay miệng
- Để phòng bệnh tay chân miệng, việc vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường là vô cùng quan trọng;
- Cần thực hiện vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày và vệ sinh đúng cách, nhất là trước và sau khi tiếp xúc với trẻ;
- Đối với trẻ đã mắc bệnh: Cần giặt sạch quần áo, tã lót, khăn mặt của trẻ sau đó ngâm qua với nước sôi hoặc dung dịch cloramin B. Cần tách riêng, không giặt chung quần áo của trẻ bệnh với các trẻ khác;
- Các hộ gia đình, nhà trẻ, trường mẫu giáo cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng mà bé tiếp xúc hằng ngày, như sàn nhà, tường, đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn, ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang bằng xà phòng hoặc những chất tẩy rửa thông thường. Cần tập cho bé thói quen rửa tay thường xuyên và đúng cách bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
- Tuyệt đối không được mớm cơm, mớm thức ăn cho trẻ, không dùng tay bốc thức ăn trực tiếp cho trẻ. Dạy trẻ không ăn bốc, không mút tay, không đưa đồ chơi lên miệng để ngậm mút.
- Hạn chế cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dùng những vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được vệ sinh và khử khuẩn;
- Nên cho trẻ đi ngoài vào bô, chậu có sẵn chất diệt khuẩn như cloraminB. Phân của bệnh nhân tay chân miệng cần được xử lý tốt, tránh thải trực tiếp ra môi trường xung quanh;
- Nhà vệ sinh của những gia đình có người mắc bệnh tay chân miệng cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, lau chùi bằng xà phòng và chất sát khuẩn.
Khi phát hiện các triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em, cần cách ly trẻ để tránh lây lan, đồng thời báo lên thầy cô giáo và nhà trường để cho trẻ tạm nghỉ học trong vài ngày cho đến khi khỏi bệnh.
Nguồn : bau.vn