Cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh là điều mà mọi ông bố, bà mẹ đều phải nằm lòng. Nếu không thực hiện đúng, trẻ không những không được hưởng lợi ích từ ánh sáng mặt trời mà còn dễ bị ốm, gặp các vấn đề về sức khoẻ.
Khi nào nên cho trẻ sơ sinh có thể tắm nắng?
Trẻ sơ sinh có thể bắt đầu tắm nắng sau khoảng 7 ngày tính từ thời điểm chào đời. Lời khuyên này được áp dụng trong trường hợp các bé sinh ra khoẻ mạnh, không gặp vấn đề gì. Đối với các trường hợp khác, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ.
Việc tắm nắng cho trẻ không nhất thiết là bạn phải bế trẻ ra ngoài. Nếu nhà bạn có ban công, cửa sổ…, bạn có thể hé cửa để ánh nắng tràn vào.
Cách tắm nắng an toàn, hiệu quả cho trẻ sơ sinh
1. Tắm nắng cho trẻ sơ sinh: Chọn đúng thời điểm tắm nắng
Thời điểm tắm thích hợp nhất là khi mặt trời bắt đầu mọc và chiếu những tia nắng đầu tiên. Đây là lúc ánh sáng rất dịu nhẹ, không gay gắt và có chứa nhiều tia cực tím tốt, khả năng chuyển hoá thành vitamin D cao.
Có nhiều quan điểm cho rằng thời gian tắm thích hợp là vào từ 7 – 9h sáng. Đây là quan điểm không hoàn toàn đúng bởi nếu vào mùa hè, nắng lúc này đã rất gắt, không thể tốt như nắng sớm.
Trường hợp bạn không thể cho bé tắm nắng buổi sáng thì cũng có thể chọn lúc hoàng hôn để thực hiện. Tuy nhiên, khoảng thời gian này sẽ không tốt bằng thời điểm buổi sáng.
2. Chọn đúng khoảng thời gian tắm nắng
Với trẻ sơ sinh, thời gian tắm nắng không cần quá lâu. Tùy vào độ tuổi của các bé, cha mẹ có thể lựa chọn thời gian phù hợp để bé dưới ánh sáng mặt trời. Ở trường hợp bé sơ sinh còn nhỏ, bạn chỉ nên kéo dài thời gian tắm nắng từ 10 – 15 phút.
Khi trẻ càng lớn và càng cứng cáp hơn, bạn có thể kéo dài khoảng thời gian này. Tuy nhiên, bạn cũng không nên cho trẻ “nghịch” nắng quá lâu để tránh các bé bị mệt.
Một vài lưu ý khác khi tắm nắng cho trẻ sơ sinh
Chọn đúng thời điểm, thời gian tắm đã quan trọng nhưng những lưu ý trong quá trình tắm nắng lại càng quan trọng hơn. Để giúp cơ thể bé yêu hấp thu tối đa ánh sáng mặt trời mà vẫn đảm bảo sức khoẻ, cha mẹ nên chú ý một số vấn đề sau.
1. Quan sát kỹ thời tiết
Không nên cho trẻ tắm nắng vào những hôm có nhiệt độ thấp, gió to. Chỉ cho con phơi nắng khi thời tiết ấm, nhiệt độ vừa phải, không có gió mùa. Tuyệt đối không nên tắm nắng ở những thời điểm giao mùa.
2. Quá trình tắm nắng
Quá trình tắm nắng nên thực hiện từ từ. Đầu tiên, bạn để lộ da tay, mặt, chân của trẻ ở trong bóng râm. Những ngày tiếp theo, bạn dịch chuyển dần ra khu vực có ánh nắng trực tiếp.
Những ngày tiếp theo, bạn có thể tăng phần diện tích da hở để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Tuyệt đối không được cởi bỏ quần áo của trẻ mà phải mặc nguyên. Nên mặc cho trẻ đồ sáng màu để tăng khả năng hấp thu ánh sáng.
3. Bảo vệ trẻ khi tắm nắng
Khi đưa trẻ ra tắm nắng, bạn cần che mắt để bảo vệ mắt của trẻ. Bạn có thể dùng đến kính cho trẻ sơ sinh hoặc dùng tay, mũ che mắt trẻ trong suốt quá trình tắm.
Không cho trẻ tắm nắng quá 20 phút. Khi trẻ tắm nắng xong, cần lau khô mồ hôi trên cơ thể để tránh bị cảm lạnh. Cho trẻ ti sữa để trẻ cảm thấy khoẻ khoắn hơn.
Ánh sáng mặt trời buổi sớm rất tốt vì nó là nguồn tổng hợp nên vitamin D tự nhiên, hiệu quả nhất. Tận dụng yếu tố này, cha mẹ nên nắm kỹ cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh để giúp con mau chóng cứng cáp, có đầy đủ vitamin D để từ đó giúp hệ cơ, xương phát triển toàn diện.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin bổ ích!
Nguồn : bau.vn