Nếu con có những tật xấu này, bố mẹ đừng vội sửa đổi vì những lý do này

Trong mắt của cha mẹ, có một số thói quen và hành vi của trẻ được cho là "xấu", cần phải thay đổi. Nhưng trên thực tế, chúng lại là biểu hiện của một đứa trẻ có IQ cao.

Sau đây là một số thói quen trong cuộc sống hằng ngày mà cha mẹ dễ nhầm lẫn là tật xấu của trẻ.

1. Mút tay

Trẻ sơ sinh trước 2 tuổi thường trải qua giai đoạn “ham muốn bằng miệng”. Điều này có nghĩa là trẻ sẽ nhét mọi thứ vào miệng, đó có thể là tay, chân và những vật dụng khác. Nhiều cha mẹ thấy khi trẻ nhét đồ linh tinh vào miệng thì nghĩ rằng, điều đó rất bẩn, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể gây ra tiêu chảy.

Thực chất, hành vi này là cách mà trẻ tự dỗ dành và trấn an bản thân. Khi trẻ mút tay, chúng sẽ có cảm giác an toàn và nhận thức về thế giới xung quanh. Trên thực tế, sau 3 tuổi trẻ sẽ tự bỏ thói quen này.

2. Không nghe lời

Sau 2 tuổi, trẻ đã dần dần nhận thức được nhiều thứ và bắt đầu có ý kiến riêng của mình. Đối với những thứ mà trẻ không thích, chúng sẽ cãi lại hoặc không nghe lời, điều này khiến cha mẹ rất tức giận trong nhiều trường hợp.

Cha mẹ nên khuyến khích trẻ nói ra suy nghĩ của mình và thể hiện cá tính riêng. Trong một số trường hợp, cha mẹ không nhất thiết phải nói “không” với tất cả mọi thứ mà trẻ bộc lộ, tùy theo từng hoàn cảnh mà có những cách giải quyết phù hợp nhất. Cha mẹ có thể sử dụng truyện tranh minh họa để hướng dẫn cho trẻ hiểu.

3. Xé giấy

Hành vi này là một trò chơi rất thú vị trong mắt mọi đứa trẻ, nhưng nó lại khiến cho cha mẹ cảm thấy phiền phức khi phải thu dọn bãi chiến trường. Tiếng giấy báo, giấy vệ sinh bị xé rách chắc chắn mang tới sự thích thú tột độ cho trẻ em.

Thói quen xé giấy cũng rất cần thiết trong quá trình lớn lên của trẻ, nó có thể giúp luyện tập sự phối hợp của tay, mắt của một đứa trẻ.

4. Vẽ bậy

Vẽ bậy lên tường, sàn nhà, sách vở… thực sự khiến không ít cha mẹ bực bội. Tuy nhiên, hành vi này biểu hiện sự sáng tạo của trẻ.

Từ 0-6 tuổi, vẽ là cách để phát triển tinh thần lẫn thể chất của một đứa bé, đặc biệt là nó có thể khơi nguồn sáng tạo và tăng tính tưởng tượng.

5. Vứt đồ lung tung

Khi trẻ biết bò, lật, chập chững biết đi cũng là lúc mà đồ đạc trong nhà luôn lộn xộn cả lên. Trên sàn nhà, bàn ghế, ngóc ngách nào cũng thấy đồ chơi trẻ vứt.

Trên thực tế, khi trẻ ném đồ vật, hay vứt lung tung, đó cũng là lúc mà khả năng nhận thức, tư duy, sự tập trung và óc quan sát được rèn luyện. Lưu ý rằng, cha mẹ chỉ cần đặt những đồ vật nguy hiểm ra khỏi tầm với của trẻ là được.

6. Thích cởi tất

Có nhiều đứa trẻ đặc biệt không thích mang tất, mỗi khi mang tất vào chân, chúng sẽ ngay lập tức cởi ra. Khi đi chân trần như vậy, cha mẹ sẽ lo lắng trẻ bị nhiễm lạnh.

Trên thực tế, khi đi chân trần, da tiếp xúc với đất có thể kích thích sự phát triển thần kinh xúc giác, giúp trẻ biết đi nhanh hơn.

Nguồn : Sức Khoẻ Cộng Đồng