Khi nào cha mẹ cần phải hút mũi cho bé?
Để tìm hiểu về nguyên tắc và các bước khi hút mũi cho trẻ sơ sinh, mẹ cần biết khi nào nên hút mũi cho bé.
Thời gian qua, có những trẻ nhỏ nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, bị suy hô hấp, khó thở, viêm phổi nặng. Nguyên nhân thường do cha mẹ chủ quan nên không nhận biết được các dấu hiệu khi trẻ bị viêm phổi. Trẻ nhỏ là đối tượng thường xuyên dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp bởi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém khiến cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập.
Thời tiết giao mùa, biên độ nhiệt độ trong ngày hiện chênh nhau khá lớn, cơ địa nhiều người, nhất là trẻ em không thích ứng kịp và nếu không phòng tránh tốt thì rất dễ bị viêm tai mũi họng cấp. Do đó, nếu thấy trẻ có biểu hiện viêm mũi – họng dị ứng, hắt hơi nhiều, xuất hiện mủ đặc, phụ huynh nên chú ý hút mũi, xông họng để làm sạch đường thở, giảm bớt chất nhầy tồn đọng, hỗ trợ quá trình lành bệnh. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo không nên lạm dụng các dụng cụ hút mũi, xông họng, vì việc xông mũi – họng chủ yếu tác động vào xoang mũi, nên nếu xông kéo dài, nhiều lần sẽ gây hỏng niêm mạc vùng mũi – họng của trẻ vốn chưa phát triển hoàn thiện. Dưới đây là nguyên tắc và các bước khi hút mũi cho trẻ sơ sinh mẹ cần biết:
Khi nào cha mẹ cần phải hút mũi cho bé?
Cách hút mũi cho trẻ đúng chuẩn
– Bước 1: Làm ẩm mũi trẻ
Bước đầu tiên là mẹ đặt con nằm xuống và nghiêng đầu bé một chút, dùng nước muối sinh lý dành cho trẻ NaCl 0,9% nhỏ vào mũi trẻ. Sau đó, chờ khoảng 30 – 60s để làm ẩm và lỏng các chất nhầy trước khi hút ra. Không nên để quá lâu vì nếu chúng khô lại sẽ khiến cho việc hút ra khó khăn hơn và khiến bé bị đau.
– Bước 2: Tiến hành hút mũi
Mẹ đặt bé nằm trên gối rồi dùng dụng cụ hút mũi cho bé, lưu ý dụng cụ này phải được tiệt trùng làm sạch trước khi dùng. Mẹ phải thực hiện thao tác này hết sức nhẹ nhàng vì mũi của bé rất dễ bị tổn thương bởi các tác động mạnh.
Sau khi đã hút xong một bên, mẹ cần loại bỏ hết chất nhầy trong ống trước. Bóp mạnh để đẩy hết dịch bẩn ra ngoài, sau đó dùng nước hoặc khăn giấy để vệ sinh phần đầu ống.
Một số bé lần đầu tiên được hút mũi sẽ có phản xạ nôn ói do nước muối, chất nhầy chảy xuống họng. Hiện tượng này sẽ hết khi bé đã quen dần nên mẹ không cần quá lo lắng.
Sau khoảng 5 -10 phút, nếu bé vẫn còn nghẹt mũi thì mẹ có thể thực hiện thêm lần nữa nhưng không nên thực hiện quá 2-3 lần/ngày. Vì lực hút sẽ làm kích ứng niêm mạc mũi gây tổn thương, giảm khả năng cản trở bụi bẩn, thậm chí làm tình trạng nghẹt mũi trở nên nghiêm trọng hơn.
Nguyên tắc và các bước khi hút mũi cho trẻ sơ sinh mẹ cần biết
– Bước 3: Vệ sinh dụng cụ hút
Khi đã làm các bước khi hút mũi xong, các mẹ cần nhớ vệ sinh các dụng cụ bằng xà phòng, xả lại nhiều lần với nước ấm, cọ rửa để làm sạch, sau đó cất vào nơi cao ráo, sạch sẽ.
Nguyên tắc khi vệ sinh (hút) mũi cho trẻ mẹ chớ quên
1. Tham khảo ý kiến của bác sĩ
Không được tự ý hút mũi cho trẻ nếu như không tham khảo ý kiến hoặc không có chỉ định của bác sĩ.
2. Tuyệt đối không dùng miệng hút mũi cho bé
Nhiều mẹ lo rằng dụng cụ hút mũi có thể gây tổn thương cho bé nên trực tiếp dùng miệng để hút chất dịch ra ngoài. Tuy nhiên các bác sĩ lại cảnh báo rằng mẹ không nên áp dụng cách làm này để làm sạch mũi cho bé.
Những loại vi khuẩn có trong khoang miệng của mẹ có thể lây truyền trực tiếp sang cho bé. Cơ thể trẻ rất yếu ớt, các kháng thể tự nhiên của bé không đủ sức để chống chọi với các loại vi khuẩn này.
Không dùng miệng hút mũi cho bé
3. Không lạm dụng việc hút mũi
Theo các chuyên gia thì mẹ chỉ nên hút mũi cho trẻ từ 2 – 3 lần/ngày và không nên lạm dụng, nhất là nước rửa mũi, vì khi dùng quá thường xuyên có thể làm mỏng niêm mạc mũi sẽ ảnh hưởng đến chức năng thở, khứu giác của bé.
4. Không hút mũi cho trẻ vừa ăn no
Không hút mũi cho bé khi vừa ăn no xong vì dễ gây ói mửa. Thời gian hoàn hảo để hút mũi là sau khi ăn 30 phút hoặc lúc bé đang ngủ.
Nếu hút mũi cho bé trong 3 ngày nhưng không thấy đỡ thì mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa vì có thể trẻ bị các bệnh nặng hơn như viêm phổi, viêm phế quản…
5. Không dùng tay móc họng để trẻ ói ra đờm
Đó hoàn toàn là cách sai trái, tay không vô khuẩn hơn nữa trẻ còn nhỏ, niêm mạc hầu họng còn yếu, việc móc họng có thể làm tổn thương niêm mạc hầu họng cho trẻ, gây sặc vào đường thở. Mặt khác móc họng nhiều có thể làm tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày sau này cho trẻ.
Nguồn : Sức khỏe cộng đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/nguyen-tac-va-cac-buoc-khi-hut-mui-cho-tre-so-sinh-me-can-biet-a191877.html