Có thể nhiều cha mẹ chưa biết, việc xuất hiện thêm một em bé trong gia đình có ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ. Đôi lúc trẻ sẽ tủi thân, “nghi ngờ” về tình yêu của bố mẹ dành cho mình. Thậm chí nhiều trẻ có những cư xử cục cằn và khác biệt hơn. Cha mẹ nên dành thời gian để giúp trẻ làm quen với việc có em này.
Những biểu hiện thay đổi tâm lý khi trẻ có em
Khi mẹ sinh thêm em bé, đa phần trẻ đều có phản ứng ganh tị, ghét bỏ và không thích em. Đây là phản ứng thường gặp khi trẻ cảm thấy sự quan tâm, chăm sóc của mọi người xung quanh vốn dành cho chúng bỗng nhiên chuyển sang một em bé khác. Một số biểu hiện của trẻ:
- Phản ứng giận dữ khi có ai đấy nhắc đến em bé.
- Kể xấu về em với người khác khi được người khác hỏi thăm.
- Giành đồ chơi, giành đồ ăn của em.
- Cố tình đập phá, làm hỏng những đồ vật bạn dành riêng cho bé sơ sinh.
- Nói những lời như “con ghét mẹ”, “con ghét em”, hoặc cố tình làm đau em bé.
- Trở nên ít nói, trầm lặng.
- Buồn bã, dễ khóc, dễ tủi thân.
- Nghịch ngợm, hiếu động hơn hẳn, hay làm những trò quấy quả, đùa nghịch mong gây sự chú ý nơi bạn.
- Nóng nảy, dễ cáu gắt, sẵn sàng đánh người khác hoặc đập phá đồ chơi.
- Cãi lại bố mẹ (nhất là mẹ).
Những điều cha mẹ nên làm khi trẻ có em
Giới thiệu với con về sự tồn tại của em bé
Cha mẹ cần thành thật và giải thích với con rằng lúc em vừa chào đời sẽ ngủ, ăn và khóc, không chơi cùng con ngay lập tức. Hãy khuyến khích con tương tác với em bằng cách “nói chuyện với bụng của mẹ”, vỗ về em bé trong bụng hoặc cảm nhận em đang quẫy đạp. Hãy cùng con lên kế hoạch vui chơi với em bé khi em chào đời. Nếu cần thay đổi phòng của con, nên làm trước khi con nhỏ chào đời. Như vậy, đứa trẻ sẽ không cảm thấy mình bị thay thế.
Hãy cho con biết em bé là một con người nhỏ bé có nhu cầu và sở thích riêng. Giải thích với nó rằng đứa em sơ sinh cần sữa, tã và ngủ nhiều, có thứ em thích và không thích. Cho con bạn xem những bức ảnh lúc nhỏ của nó. Bằng cách nhìn lại mình, trẻ dễ liên hệ với em bé mới chào đời.
Giữ lại những thói quen cũ trước khi trẻ có em
Có thêm một đứa trẻ sẽ khiến hầu hết các gia đình rơi vào cảnh bối rối. Tuy nhiên, nên cố gắng duy trì một lịch trình đều đặn. Điều này sẽ giúp con lớn cảm thấy bớt lo lắng. Hãy đảm bảo con được nuôi dạy, tham gia vào mọi hoạt động chúng vẫn làm khi chưa có em, thức dậy và đi ngủ đúng giờ.
Cha mẹ nên phân nhau chăm con nhỏ. Đồng thời nên có thời gian chất lượng cho đứa lớn. Hãy cho con quyền chọn chơi gì, làm gì cùng bố mẹ trong khoảng thời gian đó. Bạn cũng nên tạo không gian riêng tư cho con và dành cho nó thứ không cần chia sẻ với em. Ở đó, em bé không được bò đến phá hỏng đồ chơi của anh/chị.
Khuyến khích con cùng cha mẹ chăm em
Nhờ đứa lớn chăm đứa nhỏ, nhưng đừng thúc giục nếu nó không muốn. Hãy thường xuyên nói về vai trò quan trọng của một người anh, người chị trong gia đình. Bạn nên thử dạy con lớn cách đeo tất, lấy sữa cho em. Chúng sẽ cảm thấy tự hào vì sự “trưởng thành” của mình, khi được giao trách nhiệm.
Trẻ có thể thô bạo một cách tự nhiên, nên hãy dùng búp bê hoặc thú nhồi bông làm mẫu để dạy chúng cách nhẹ nhàng chạm vào em và bế em. Hãy hướng dẫn bé cách xoa lưng, ôm em đúng cách. Nói với đứa lớn rằng cách tiếp xúc như vậy sẽ giúp em dễ chịu và khen ngợi nó khi đã hoàn thành tốt việc này.
Không phân biệt, không trách mắng
Hãy cẩn thận khi lấy con nhỏ ra làm một cái cớ cho việc bạn không thể làm điều gì – kể cả đó là sự thật. “Mẹ không thể giúp con, mẹ phải chăm em”. “Trật tự đi, con sẽ làm em thức giấc đấy”, “Em đang ngủ nên chúng ta không thể đi chơi đâu”… là những câu khiến đứa lớn nghĩ rằng nguồn gốc của mọi bất hạnh là do em. Nó sẽ ghét bỏ em mình, thậm chí có hành động gây tổn thương cho em.
Đừng bao giờ gạt bỏ cảm xúc của con bạn hoặc la mắng để khiến chúng nổi giận. Con rất dễ bộc lộ cảm xúc tiêu cực hoặc thậm chí biến nó thành hành động. Thay vì vậy, nên nói với con rằng bố mẹ hiểu cảm xúc con đang trải qua và bố mẹ cũng cảm thấy như vậy. Luôn khẳng định với đứa trẻ, dù thế nào chăng nữa, bố mẹ vẫn yêu con và khuyên trẻ thoải mái bộc lộ cảm xúc của mình.
Nếu bạn nghe thấy con nói những câu như “Con ghét em bé”, đừng nói rằng con đã sai. Thay vào đó, nên nói với con cảm xúc của nó là bình thường. Hy vọng cảm xúc ấy sẽ sớm qua đi. Sự thừa nhận sẽ làm giảm bớt tiêu cực của con bạn.
Dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không so sánh các con. Cũng đừng nói đứa này thông minh hơn, xinh đẹp hơn đứa kia – những điều dễ khiến trẻ ghen tị.
Không chỉ bố mẹ, ông bà và những người xung quanh cũng đều phải lưu tâm điều này.
Nguồn : bau.vn