Nuôi con không phải là cuộc thi cân nặng giữa các mẹ

Việc quá quan tâm đến cân nặng của con khiến nhiều người rơi vào "vực thẳm" căng thẳng và vô tình tham gia vào cuộc đua "kilôgam" giữa các mẹ

Chúng ta thường cảm thấy lo lắng khi con của người khác cân nặng cao hơn con mình, vừa là một chút ganh đua ở khả năng chăm con, vừa là sợ con không phát triển bằng trẻ đồng lứa.

Thước đo phát triển không phải chỉ ở cân nặng

Các mẹ không nên quên điều này, ngoài cân nặng, còn có chiều cao, khả năng miễn dịch, sự phát triển của hệ tiêu hóa, trí thông minh, và vô số chỉ tiêu khác để đánh giá một đứa trẻ có phát triển toàn diện hay không. Đừng để cân nặng trở thành áp lực cho cả 2 mẹ con, miễn con khỏe mạnh, phát triển đều, luôn vui vẻ khi ngồi vào bàn ăn đã là thành công rồi.

Ăn thế nào là đúng?

“Cái gì nhiều quá cũng không tốt”. Câu nói này cực kỳ đúng trong yêu cầu dinh dưỡng của trẻ em. Muốn trẻ phát triển tốt về mọi mặt, đặc biệt về cân nặng thì cần cung cấp lượng dưỡng chất đa dạng, phong phú, ở mức độ vừa phải. Vì sao? Con đang tuổi lớn, mọi cơ quan bộ phận đều đang phát triển, con cần rất nhiều chất dinh dưỡng khác nhau. Nếu chỉ tập trung ở tinh bột, protein hay chất béo không thôi, con rất khó tiêu hóa, lại dễ gây béo phì trẻ em. Nếu tăng lượng rau củ mà ít đi đạm, béo thì con sẽ nhanh chán ăn, lười ăn mà còn thiếu dưỡng chất để phát triển trí não. Ăn đúng là ăn cân bằng và đa dạng.

can nang

Đừng để con ăn với nước mắt

Ăn uống không phải là hình phạt. Đừng ép buộc, đừng răn đe, đừng áp lực với con về việc ăn uống. Các mẹ hãy để mỗi bữa ăn là một khoảng thời gian tận hưởng, chứ không phải ăn trong nước mắt. Trẻ con học phản xạ rất nhanh, nên bé sẽ rất dễ hình thành nỗi sợ đối với ăn uống.

can nang

Nếu như con chưa thể ăn ngoan, ăn giỏi thì hãy cứ chia nhỏ bữa ăn nhiều lần trong 1 ngày, để việc ngồi vào bàn ăn là một thói quen với con.

Chế biến là chìa khóa thành công

Thông thường trẻ sẽ rất dễ né tránh các loại rau củ vì rau củ nếu không nhạt thì đắng và không thể ngọt như kẹo, cái lưỡi nhạy cảm của trẻ hoàn toàn không thích các vị này. Hãy chế biến rau củ theo phương pháp đơn giản nhất là hấp mềm, xay hoặc bằm nhỏ vào món ăn cho trẻ tập làm quen. Việc này đảm bảo nguyên liệu vẫn giữ nguyên chất dinh dưỡng, mà vẫn giúp trẻ trải nghiệm thức ăn mới.

Nguồn : Sức khỏe 24h