Sau sinh ngực bị căng tức sữa, mẹ hãy thực hiện ngay những cách này!

Ngực bạn sẽ lớn dần trong suốt chín tháng thai kỳ và cả tuần đầu tiên sau sinh. Bạn sẽ cảm thấy đau đến mức việc mặc áo ngực cũng trở nên vô cùng khó khăn. Tệ hơn nữa là bạn bắt đầu có sữa và phải cho con bú, tình trạng căng sữa xuất hiện.

Khi nào bạn bị căng sữa?

Hiện tượng căng sữa thường xảy ra ở những bà mẹ lần đầu sinh con. Một số bà mẹ may mắn hơn (thường là những bà mẹ đã sinh tới bé thứ hai hoặc ba) sẽ có sữa mà không bị như vậy, nhất là khi họ cho con bú đều đặn ngay từ đầu.

Sau sinh ngực bị căng tức sữa, mẹ hãy thực hiện ngay những cách này! - ảnh 1

Tình trạng căng sữa thường xảy ra vào ngày thứ ba hoặc thứ tư sau khi sinh. Căng sữa sẽ xảy ra một cách bất ngờ và khiến bạn hốt hoảng. Hãy an tâm bởi đây là một điều hết sức bình thường: cơn đau và sự căng phồng xảy ra là do máu dồn để đảm bảo các tuyến sữa sẽ hoạt động hết công suất. Một tin vui là  vú bạn sẽ chỉ bị căng tạm thời và sẽ từ từ xẹp lại khi bé và bạn đã quen với việc bú sữa mẹ. Hầu hết thì việc vú bị đau và sưng chỉ xảy ra trong vòng 24-48 giờ. Nhưng cũng có những bà mẹ phải chịu đựng cả tuần thì hiện tượng này mới chấm dứt.

Những biện pháp giúp bạn giảm cảm giác khó chịu khi bị căng sữa

Bạn vẫn có thể cho con bú trong thời gian bị căng sữa. Cho tới lúc hết bị căng sữa, hãy thử tham khảo và áp dụng các biện pháp sau:

Chườm ấm

Tác dụng nhiệt trong thời gian ngắn để giúp làm mềm núm vú và để sữa chảy ra ngay khi bắt đầu cho bé bú. Để làm điều này, bạn hãy nhúng một chiếc khăn vào nước ấm và đặt nó lên quầng vú, hoặc bạn cũng có thể xông hơi từ một bát nước ấm. Ngoài ra bạn cũng có thể khuyến khích dòng chảy của sữa bằng cách nhẹ nhàng xoa bóp vú khi cho bé bú.

Chườm lạnh

Hãy chườm nước đá sau khi cho bé bú để làm giảm tình trạng căng sữa. Bạn có biết, lá bắp cải ướp lạnh cũng có thể có hiệu quả giảm sưng đáng ngạc nhiên. Bạn có thể dùng lá bắp cải to, rửa sạch, lau khô và khoét một lỗ ở trung tâm lá cho mỗi núm vú. Hoặc bạn có thể sử dụng áo ngực được thiết kế với chức năng làm mát đặc biệt.

Trang phục phù hợp

Mặc áo ngực loại dành riêng cho các bà mẹ cho con bú và chọn loại vừa vặn với bạn (các loại này thường có dây đai rộng và không có viền nhựa). Áp lực tạo ra bởi bộ ngực đang căng sữa và sưng phồng có thể khiến bạn cảm thấy rất đau, vậy nên hãy chắc chắn rằng áo ngực mà bạn đang mặc không quá chật. Ngoài ra hãy mặc quần áo rộng để không gây cọ xát quá nhiều lên bộ ngực đang rất nhạy cảm của bạn.

Cho con bú

Cách trị căng sữa tốt nhất là cho bé bú thường xuyên, vậy nên bạn đừng cố bỏ qua hay né tránh cho bé bú vì đau. Bé càng ít bú, ngực của bạn sẽ càng căng và bạn lại càng đau. Bạn cho bé bú càng nhiều sẽ thì hiện tượng căng sữa sẽ càng nhanh hết. Nếu con của bạn bú không hết cả hai vú và bé vẫn không thể giúp bạn giảm bớt hiện tượng căng sữa, hãy dùng máy hút sữa. Nhưng bạn cần chú ý đừng hút quá nhiều mà chỉ nên vừa đủ để làm giảm căng sữa. Nếu không, ngực sẽ sản xuất nhiều hơn lượng sữa mà bé cần, và khi bé sẽ không có khả năng uống hết sữa, vú của bạn sẽ còn căng hơn.

Sau sinh ngực bị căng tức sữa, mẹ hãy thực hiện ngay những cách này! - ảnh 2
Dùng tay bóp sữa ra trước khi cho con bú

Dùng tay bóp một ít sữa ra trước khi cho bé bú để làm giảm sự căng sữa. Điều này còn giúp sữa chảy ra và làm mềm núm vú để bé có thể mút tốt hơn.

Thử các tư thế cho con bú khác nhau

Bạn có thể thay đổi các vị trí bú khác nhau trong những lần cho bú. Điều này giúp đảm bảo rằng tất cả các ống dẫn sữa được dọn sạch và có thể giúp làm giảm bớt cơn đau do căng sữa.

Dùng thuốc

Đối với những cơn đau nặng hơn, bạn có thể xem xét việc dùng acetaminophen hoặc một loại thuốc giảm đau nhẹ khác được kê bởi bác sĩ. Nếu bạn cần sử dụng thuốc giảm đau, hãy dùng sau khi đã cho bé bú xong.

Nếu bạn vẫn còn lo lắng và có những thắc mắc khác, hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn và giúp đỡ kịp thời.

Nguồn : Sức Khoẻ Cộng Đồng