1. Vai trò của hệ tiêu hóa
Hệ tiêu hóa của con người bao gồm nhiều bộ phận như: Ống tiêu hóa được tính từ khoang miệng đi qua thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và hậu môn, gan, túi mật, tụy… Mỗi cơ quan đảm nhiệm một chức năng riêng nhưng chúng đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau để thực hiện quá trình vận chuyển, tiêu hóa, hấp thu và thải trừ. Khoang miệng tiếp nhận, nghiền nhỏ thức ăn giúp cho dạ dày co bóp nhằm trộn các men tiêu hóa với thức ăn để tiêu hóa một phần tinh bột và protein. Dịch tụy, dịch mật và muối mật được tiết ra để tiêu hoá chất béo, chất đạm và tinh bột hoàn toàn, đồng thời hòa tan vitamin và các khoáng chất. Tất cả các chất dinh dưỡng trên sẽ được hấp thụ nhờ vào ruột non để đi vào máu và đi khắp cơ thể.
Không chỉ đảm nhiệm về chức năng dinh dưỡng, sức khỏe đường ruột còn có tầm ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, sự tăng trưởng của cơ thể, bệnh tim mạch,… Do đó, một bộ phận gặp vấn đề xấu sẽ có tác động đến toàn bộ cơ thể.
2. Những ảnh hưởng của hệ tiêu hóa đến sức khỏe toàn thân
2.1.Hệ thần kinh
Trục não ruột có vai trò quan trọng nhằm duy trì một sức khỏe cân bằng về thể chất lẫn tinh thần. Ruột có khả năng gửi tín hiệu đi đến não và ngược lại. Do đó, trạng thái căng thẳng, lo lắng lâu dài sẽ là một yếu tố nguy cơ dẫn đến đau dạ dày. Ngoài ra, sở hữu một đường ruột khỏe mạnh sẽ giúp não bộ có khả năng tự làm dịu đi khi gặp những tình huống căng thẳng.
2.2.Sự phát triển của cơ thể
Dinh dưỡng là nhu cầu thiết yếu của con người nhằm đảm bảo cho các hoạt động hằng ngày. Khi một trong các cơ quan của hệ tiêu hóa gặp phải vấn đề gì thì dinh dưỡng cho cơ thể sẽ bị thiếu hụt. Đặc biệt đối với trẻ em, nếu thiếu hụt dinh dưỡng còn có thể khiến trẻ chậm phát triển về thể chất lẫn trí tuệ. Đối với những bệnh nhân nằm viện thời gian dài hoặc sau phẫu thuật, tình trạng dinh dưỡng kém làm ảnh hưởng đến tiến độ lành bệnh cũng như khả năng phục hồi.
2.3.Hệ tạp khuẩn đường ruột
Đường tiêu hóa là nơi trú ngụ của rất nhiều vi khuẩn, bao gồm cả những vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Chúng sinh sôi nảy nở liên tục và luôn duy trì trạng thái cân bằng để có một cơ thể khỏe mạnh. Khi sự cân bằng bị mất đi sẽ là lúc các rối loạn đường ruột xảy ra như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng hay hội chứng ruột kích thích.
Một số vi khuẩn đường ruột có mối liên hệ với cholesterol và bệnh tim mạch. Thịt đỏ có chứa rất nhiều carnitine, khi chúng đi vào cơ thể, hệ tạp khuẩn ở ruột sẽ phát triển mạnh và sản xuất ra một lượng lớn TMAO (trimethylamine-N-oxide). Chúng sẽ giúp cholesterol tích tụ trong mạch máu dẫn đến xơ vữa động mạch và hạn chế vai trò của HDL. Một số nghiên cứu cho rằng một chất tự nhiên được gọi là DMB có trong dầu ô liu và hạt nho sẽ giúp ngăn vi khuẩn của bạn tạo ra TMAO.
2.4. Sản xuất các yếu tố miễn dịch
Hệ đường ruột có cấu tạo đặc biệt để thực hiện đồng thời nhiệm vụ cung cấp dinh dưỡng và sản xuất các yếu tố miễn dịch cho cơ thể như đại thực bào, các kháng thể IgA,.. giúp nâng cao đề kháng và phòng ngừa bệnh tật.
3. Cần làm gì để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh?
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Để có một cơ thể khỏe mạnh, chúng ta cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng bao gồm các nhóm chất đường bột, đạm, béo, vitamin và các khoáng chất theo khuyến cáo của tháp dinh dưỡng. Đặc biệt cần bổ sung thêm rau xanh và chất xơ giúp có cảm giác ngon miệng hơn, cải thiện hoạt động của nhu động ruột giúp hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn.
- Ăn chậm nhai kỹ: Để giúp miệng có đủ thời gian tiết ra các enzyme tiêu hóa giúp làm giảm bớt áp lực cho dạ dày, ngăn ngừa các chứng ợ hơi, khó tiêu.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày: Luyện tập thể dục thường xuyên cũng là một trong những cách giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng nếu đi bộ 30 phút mỗi ngày sẽ cải thiện đáng kể các triệu chứng táo bón.
- Cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột: Sự cân bằng này thường xuyên bị đe dọa bởi môi trường sống, chế độ ăn uống hoặc khi sử dụng thuốc kháng sinh. Ngoài việc bổ sung chất xơ – là nguồn thức ăn của các vi khuẩn có lợi thì bạn có thể sử dụng thêm các sản phẩm men vi sinh. Cần lựa chọn những sản phẩm được làm từ thiên nhiên tốt cho hệ tiêu hóa, không bị dịch mật hay môi trường dạ dày làm biến tính, ví dụ như chủng men Bulgaricus tìm thấy nhiều trong các sản phẩm sữa chua. Ngoài ra, sữa chua còn là nguồn dưỡng chất lên men cung cấp dinh dưỡng (đạm, canxi, vitamin) mà cơ thể dễ hấp thu. Sử dụng sữa chua đều đặn hằng ngày là một trong những cách để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Có thể thấy sức khỏe đường ruột có ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể. Do đó, để có một cơ thể khỏe mạnh thì một trong những yếu tố cần thiết đó là xây dựng hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường ở hệ tiêu hóa, cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguồn : bau.vn