Sưng hạch bạch huyết: Các mẹ cần chú ý khi mang thai

Mang thai là giai đoạn cơ thể mẹ bầu trải qua nhiều thay đổi. Điều này mở ra cơ hội cho các tình trạng nhiễm trùng và viêm gây nên vấn đề sưng hạch bạch huyết khi mang thai.

Hạch bạch huyết là gì?

Hạch bạch huyết hay còn gọi là hạch lympho là một phần của hệ bạch huyết. Về hình thái, hạch bạch huyết trông giống hạt đậu, hình bầu dục nằm rải rác khắp cơ thể và được nối với nhau bởi hệ mạch. Hạch bạch huyết được xem là thành phần quan trọng nhất của hệ thống miễn dịch ở người. Bởi lẽ, chúng chứa các tế bào miễn dịch đảm nhiệm vai trò lọc hoặc bẫy các thành phần “lạ” xâm nhập vào cơ thể.

Nguyên nhân gây sưng hạch bạch huyết khi mang thai

Hạch bị sưng khi chạm vào có thể cảm thấy đau, khó chịu, một số trường hợp còn có triệu chứng sốt, sụt cân. Tuy nhiên, đây là một dấu hiệu tốt cho thấy hệ miễn dịch của bạn vẫn đang hoạt động tốt.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến chứng sưng hạch bạch huyết. Các nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng (bệnh sởi, cảm lạnh do virus…), nhiễm khuẩn (viêm họng, bệnh lao…), nhiễm nấm hoặc ký sinh trùng hoặc đơn giản chỉ là do dị ứng với một loại thuốc bất kỳ.

Ở bà bầu hoặc mẹ sau sinh, tình trạng này đôi khi bắt nguồn từ quá trình sản xuất sữa khiến hạch nổi ở vùng dưới cánh tay hoặc xuất hiện ở cổ do viêm đường hô hấp trên trong thai kỳ. Nhiều bà mẹ tương lai cũng bị nổi hạch sau khi tiêu thụ các loại thực phẩm chưa chế biến kỹ.

Biểu hiện của chứng sưng hạch bạch huyết khi mang thai

Việc tiếp xúc với vi khuẩn hoặc virus gây bệnh có thể dẫn đến tình trạng sưng hạch bạch huyết. Bên cạnh việc nổi các khối u với kích thước khác nhau thì có các triệu chứng phổ biến khác đi kèm bao gồm sổ mũi, sốt, đau họng, ra mồ hôi về đêm, mệt mỏi chán ăn, ho dai dẳng…

Những biểu hiện này thường là dấu hiệu cảnh báo mẹ bầu đang mắc một loại bệnh nào đó hoặc tình trạng nhiễm trùng gây ra sưng hạch. Đôi khi bạn cũng có thể mắc một số dấu hiệu khác không được liệt kê ở trên.

Hướng điều trị sưng hạch bạch huyết trong thai kỳ

Một số trường hợp nổi, sưng hạch do cảm lạnh thì tình trạng này sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Riêng nếu nguyên nhân bắt nguồn từ các bệnh nhiễm khuẩn, lúc này bạn có thể cần sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị. Ở thai phụ gặp vấn đề nghiêm trọng hơn như ung thư, thì phẫu thuật hoặc hóa trị, xạ trị sẽ được cân nhắc tùy vào tình trạng sức khỏe của bạn và thai nhi.

Để giảm đau do hạch bạch huyết, bạn có thể dùng một miếng gạc thấm nước ấm đặt lên vùng da bị ảnh hưởng.

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng