Trẻ khóc đêm không phải lúc nào cũng là hiện tượng bất thường. Chính vì thế, các mẹ nên biết các nguyên nhân dẫn đến trẻ khóc để tìm ra phương pháp và cách khắc phục cải thiện giấc ngủ cho bé.
Dấu hiệu cho thấy trẻ khóc về đêm là bình thường
Trường hợp trẻ hay khóc đêm là một biểu hiện sinh lý bình thường và được dân gian gọi là khóc dạ đề hay khóc dã tràng. Mỗi đêm, trẻ thường có biểu hiện như trăn trở, khó chịu, quấy khóc không ngủ hoặc cũng có thể giật mình thường xuyên trong lúc ngủ rồi khóc thét. Hầu hết trẻ sẽ khóc vào buổi chiều tối ở một khung giờ nhất định.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, chứng khóc dạ để xuất hiện ở trẻ sơ sinh cho đến 3 tháng tuổi mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác hay phương pháp điều trị cụ thể nào. Sau khi trẻ đủ 3 tháng tuổi thì sẽ tự ngừng khóc mà không cần bất kỳ một phương thức điều trị nào.
Trẻ ngủ hay khóc đêm được coi là bình thường khi không đi kèm với các biểu hiện khác ví dụ như: Trẻ ngủ hay giật mình, ngủ ngáy, hoảng sợ và khóc thét…
Dấu hiệu cho thấy trẻ khóc về đêm là bất thường
Với những trẻ hay khóc đêm bất thường và có đi kèm với một số những biểu hiện như: Khi ngủ em bé thường giật mình, ngủ ngáy, hoảng sợ và hay khóc thét… có thể là hiện tượng sinh lý. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này xảy ra thường xuyên và kéo dài thì có thể ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của trẻ và cha mẹ cần nghĩ ngay đến vấn đề em bé khóc do bệnh lý.
1. Do hệ thống thần kinh chưa phát triển hoàn thiện
Đây có thể là nguyên nhân khiến trẻ khóc thét về đêm, la hét hay giật mình khi ngủ. Do đó, nếu ban ngày em bé hoạt động quá sức, điều này sẽ làm não bộ trẻ còn hưng phấn khi ngủ.
Tuy nhiên, nếu trẻ thường xuyên giật mình khi đang ngủ, đó là biểu hiện của những vấn đề bất thường về cấu trúc hay chức năng não bộ. Nếu xảy ra tình trạng trên, cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện khám để có thể đưa ra kết luận chính xác.
2. Trẻ khóc đêm có thể do dị ứng với protein sữa bò
Điều này xảy ra khi trẻ khóc đêm bất thường, khóc dai dẳng hơn, khóc hơn ba giờ mỗi ngày và thường khóc vào buổi tối, trong hơn ba ngày mỗi tuần và hơn ba tuần.
3. Cơn đau bụng sinh lý
Trẻ sơ sinh quấy khóc đêm không chịu ngủ, cơn khóc không rõ nguyên nhân, khi khóc thường co 2 đầu gối gập vào bụng thì rất có thể em bé đang bị cơn đau bụng sinh lý. Cơn đau xảy ra vào cùng một thời điểm nào đó trong ngày, thường xảy ra vào lúc chập tối và kéo dài khoảng 1 đến 2 giờ đồng hồ, sau đó bé tự nín. Trẻ thường khóc khi được khoảng 3 đến 4 tháng rồi tự nhiên hết, tuy trẻ khóc và bị đau bụng nhưng vẫn tăng cân tốt.
4. Trẻ hay khóc đêm dấu hiệu của bệnh còi xương
Bệnh còi xương thường làm cho trẻ mệt mỏi, khó chịu sinh ra quấy khóc về đêm trong một thời gian dài.
Trường hợp này thường đi kèm một số biểu hiện như: bé chậm mọc răng, rụng tóc vành khăn hay ra mồ hôi trộm.
Nguyên nhân rất có thể do chế độ dinh dưỡng của em bé không được đảm bảo, thiếu canxi hoặc do em bé được chăm sóc trong phòng quá kín, thiếu vitamin D. Vì vậy, người mẹ cần cho em bé tắm nắng vào buổi sáng sớm, giữ gìn phòng ốc được thông thoáng, không để thiếu ánh sáng.
Ngoài ra, các trường hợp trẻ khóc đêm kèm theo nôn, ưỡn người, khóc thét, bỏ bú và đi ngoài ra máu thì có thể là dấu hiệu trẻ bị lồng ruột. Trong trường hợp này, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi cấp cứu gấp, không nên chủ quan.
Trẻ hay khóc đêm ảnh hưởng như thế nào?
Chậm phát triển trí tuệ và làm giảm khả năng nhận thức, học tập.
Hormone tăng trưởng bị giảm sút, trẻ chậm tăng cân và phát triển chiều cao.
Hệ thống miễn dịch và tiêu hóa của trẻ bị ức chế.
Tăng áp lực máu não, huyết áp cao.
Áp lực lớn lên tim, dẫn tới tim đập nhanh, sức khỏe của bé sẽ không được đảm bảo.
Cần làm gì để trẻ có giấc ngủ ngon?
Trước tiên, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ khóc đêm. Trường hợp khóc bất thường do cơ thể như sốt, ho, đói, lạnh, mơ… thì cha mẹ cần tìm cách khắc phục, làm cơ thể bé dễ chịu, trẻ sẽ ngưng khóc.
Mỗi khi trẻ khóc, các mẹ nên bế bé chặt trong vòng tay để bé ngửi thấy mùi cơ thể mẹ, tạo cảm giác an tâm.
Không nên cho trẻ ăn quá no khi gần đi ngủ. Điều này làm dạ dày không kịp tiêu hóa hết thức ăn, khiến bé khó chịu và nôn trớ.
Giữ cơ thể trẻ luôn khô ráo, thường xuyên thay tã mới sau khi trẻ đi tiểu hay đại tiện.
Giường và ga trải giường phải sạch sẽ, tránh sử dụng các loại bột giặt, nước xả gây kích ứng da trẻ.
Tập trẻ một lối sống khoa học và đúng giờ trong ăn uống, đại tiểu tiện, vui chơi, ngủ nghỉ.
Không nên để trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày khiến buổi đêm trẻ khó ngủ.
Tránh các hoạt động vui đùa quá mức hoặc nói to, ồn ào khiến trẻ giật mình.
Trẻ hay khóc đêm là hiện tượng bình thường, tuy nhiên chúng ta không nên chủ quan. Hãy lắng nghe những điều bất thường từ cơ thể bé để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Nguồn : bau.vn