Trẻ 2 tuổi chưa biết nói? Nguyên nhân do đâu?

Nếu ở ngưỡng 18 tháng tuổi, bé chưa nói nhiều, bạn có thể chủ quan và chờ bé phát triển kỹ năng này một cách thành thục hơn. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 4 tháng ngắn ngủi nữa thôi, nếu bé chỉ ê a và chưa nói thành thạo thì chắc chắn đây là một chỉ dấu quan trọng cho việc bạn cần quan tâm sát sao tới khả năng nói của con.

1. Khi nào trẻ biết nói?

  • Con trẻ đã làm quen với âm thanh ngay từ trong bụng mẹ. Bé thật sự bắt đầu tập nói từ các tháng thứ 3 và thứ 4. Và suốt 3 năm đầu đời là khoảng thời gian bé tiếp thu, học hỏi rất nhanh kỹ năng nói này.
  • Từ 3 đến 4 tháng tuổi: Bé bắt đầu bập bẹ tạo ra những âm thanh như “muh-muh” hoặc “bah-bah”
  • Từ 5 đến 6 tháng tuổi: Bé biết nói theo ngữ điệu, điều chỉnh âm lượng, đáp lại lời nói và nét mặt của người đối diện.
  • Từ 7 đến 12 tháng tuổi: Bé bắt chước lời nói của bạn, bé đã bắt đầu nói được cụm gồm 3 từ như “bah-bah-bah” hoặc “dee-dee-dah”. Trẻ nói những từ có nghĩa, bắt chước một vài từ trong cụm từ mà bạn nói ra
  • Từ 14 tháng tuổi: Trẻ sử dụng ngữ điệu và các hoạt động tay nhiều hơn để minh họa cho lời nói.
  • Từ 16 tháng tuổi: Bé biết gọi “mẹ ơi” để thu hút sự chú ý. Con cũng biết dùng cử chỉ gật hoặc lắc đầu cho các câu hỏi như có – không…
  • Từ 18 tháng tuổi: Bé có thể nói cụm từ đơn giản như “muốn con búp bê”, vốn từ vựng lúc này ở khoảng 10-20 từ, như tên mẹ và các từ quen thuộc khác trong sinh hoạt.
  • Từ 2 tuổi: Trẻ có vốn từ vụng khoảng 50 đến 100 từ. Lúc này con đã nói được các câu ngắn 2-3 từ và biết dùng những từ chỉ bản thân như con-em… khi giao tiếp.

Trẻ chậm nói và những điều không phải ai cũng biết

Khi nào trẻ biết nói?

2. Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói?

Nếu con không trải qua những bước phát triển bình thường như trên, trước đó bạn cứ chờ đợi mà không đưa con đến bệnh viện để được kiểm tra, thì lúc này, bạn hãy quan sát trẻ, nếu tiếp tục có các dấu hiệu sau đây thì con bạn đang ở trong tình trạng trẻ 2 tuổi chậm nói:

  • Con không thốt ra lời để giao tiếp với các thành viên trong nhà. Thay vào đó, con thường xuyên sử dụng những ngôn ngữ cơ thể như ra dấu, chỉ trỏ…
  • Trẻ thường lặp lại câu hỏi của bạn thay vì trả lời. Đây cũng có thể là một dấu hiệu của trẻ chậm nói.
  • Bé không nhớ và cũng không nhái giọng, bắt chước các âm thanh xung quanh. Hoặc trẻ chỉ nói những tiếng ngắn, quen thuộc không diễn đạt thành từ dài.
  • Bé sử dụng giọng mũi, the thé, giọng không rõ.
  • Trẻ không hiểu những thông điệp đơn giản mà người xung quanh nói. Ví dụ khi người lớn nói ăn cơm, trẻ chờ ra dấu mới hiểu.

3. Nguyên nhân khiến trẻ 2 tuổi chậm nói?

Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng trẻ 2 tuổi chậm nói có thể vì những nguyên nhân sau đây:

  • Bẩm sinh vòm họng của trẻ (bao gồm môi, lưỡi, hàm, vòm mềm) có vấn đề.
  • Phụ huynh mải làm việc, ít giao tiếp với con. Trẻ thường xuyên xem ti-vi, chơi điện thoại mà “quên” kỹ năng giao tiếp, lười nói chuyện với những người xung quanh.
  • Bạn phản ứng quá nhanh khi thấy trẻ mới có biểu hiện đòi hỏi điều gì đó, không tạo cơ hội cho trẻ nói thành lời. Đây chính là trở ngại trong quá trình trẻ phát triển kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp.
  • Gia đình sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ví dụ như trong gia đình có người dùng tiếng Việt nhưng cũng có người dùng một ngoại ngữ khác như Anh hoặc Pháp hoặc Đức. Tình trạng này khiến bé bị “loạn” ngôn ngữ, không biết nên học nói theo ngôn ngữ nào dẫn tới tình trạng bé hoang mang, chậm học nói.
  • Ngoài ra, trẻ 2 tuổi chậm nói còn có thể vì trí não, nhận thức bị ảnh hưởng tiêu cực từ hậu quả của các hội chứng tự kỷ, tăng động…

Vì vậy, nếu con trẻ 2 tuổi chậm nói, cụ thể là có các biểu hiện như bên trên thì bạn hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra.

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng