Trẻ bị ho và ốm: Dùng thuốc ho cho con bố mẹ phải nhớ nguyên tắc này

Tầm này hàng năm là cao điểm trẻ con ốm, năm nay cũng vậy, bệnh viện hay phòng mạch lúc nào cũng trong trạng thái quá tải. Giao mùa nên chủ yếu trẻ bị các bệnh hô hấp, ho và sốt.

Tình trạng trẻ bị ho khi giao mùa khá phổ biến

Trẻ con đi học nên chỉ cần 1 đứa ốm là có thể lây ra cả lớp. Thế là bệnh hết đợt này đến đợt khác, đợt trước chưa khỏi hẳn đã bị đợt mới, nên cứ ho, chảy mũi lai dai cả tháng. Có những đợt bệnh do vi khuẩn phải dùng kháng sinh nhưng phần lớn không cần.

Nếu phụ huynh thấy trẻ bị ho thì nên đi khám và được tư vấn chăm sóc để quản lý những đợt bệnh của trẻ thật tốt để tránh lạm dụng những thuốc không cần thiết.

Ho chỉ là triệu chứng của bệnh nào đó

Điều đầu tiên cần ghi nhớ, ho không phải là bệnh, ho là triệu chứng của bệnh nào đó của đường hô hấp hoặc không phải của đường hô hấp. Chúng ta không nên chỉ lo chữa ho mà phải chữa nguyên nhân ho.

Muốn hết ho thì chữa nguyên nhân gây ho thì ho sẽ hết. Phần lớn ho là phản ứng có lợi cho cơ thể để tống đờm nhớt ra ngoài, trừ 1 số trường hợp ho nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bé thì mới cần giảm cái ho đó đi.

tre bi ho

Vậy như nào là ho nhiều ho ít? Khái niệm đó khá định tính và phụ thuộc nhiều vào cảm nhận của phụ huynh. Có phụ huynh ngày bé ho chục lần cũng gọi là ho nhiều và rất sốt ruột.

Nếu bé ho liên tục làm ảnh hưởng giấc ngủ phải thức dậy vì ho, nôn trớ nhiều vì ho hoặc làm trẻ mệt mỏi vì ho hoặc có thể không làm trẻ mệt mỏi nhưng làm bố mẹ phát phiền thì mới cần giảm cái ho đó đi.

Nếu trẻ ho mà tỉnh táo vui vẻ, không sốt, không khó thở, không ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của trẻ như đã nói trên thì nhìn chung không cần uống thuốc giảm ho.

Khi nào cần uống thuốc ho?

Thuốc giảm ho là những thuốc gì? Như dextrometrophan, terpin, các thuốc chống dị ứng như theralen, chlopheniramin, rolatadin,… Bạn không nên tự mua thuốc giảm ho cho con uống mà không được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa vì nếu dùng không đúng có thể làm bệnh nặng lên. Không được uống thuốc giảm ho nếu con bạn ho có đờm.

Những thuốc ho nào được cho là an toàn? Đó là những thuốc ho nguồn gốc thảo dược sẽ an toàn hơn cả. Mật ong cũng giúp giảm ho khá tốt với trẻ trên 1 tuổi bị viêm hô hấp trên (nhớ là không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì có nguy cơ bị nhiễm trùng vi khuẩn C.Botulinum).

Các thuốc long đờm dành cho ho có đờm nguồn gốc ở phế quản như ambroxol (Halixol, Olesom,…) khá hiệu quả nhưng cần có sự thăm khám của bác sĩ và không tự ý mua uống.

tre bi ho

Thực ra, nếu con bạn ho do viêm mũi họng siêu vi khó điều trị hơn ho do viêm phế quản phổi vì ho do siêu vi lâu hơn (thường từ 10-14 ngày mới dứt) còn do viêm phổi uống kháng sinh 3-5 ngày là đỡ rồi.

Nhìn chung, nếu con bạn bị ho hoặc sốt hãy đi khám bác sĩ. Khi đi khám hãy thảo luận với bác sĩ: Con tôi bị bệnh gì? Do nguyên nhân gì gây ra? Điều trị như nào? Có cần phải giảm ho hay không? Khi nào cần khám lại?

Đừng chỉ đi khám chỉ để lấy một bọc thuốc về cho con uống và đến con bị bệnh gì cũng không biết! Nếu con bạn dùng thuốc không đỡ hãy liên hệ với bác sĩ của con bạn và thảo luận cùng họ.

Ngoài ra, bố mẹ nên cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng về nguồn thực phẩm, ngủ đủ giấc và uống vitamin D3 hàng ngày… Đây là những việc rất cần để tăng sức đề kháng cho con trong những đợt giao mùa này!

Nguồn : Sức Khoẻ Cộng Đồng