Trẻ nhỏ thường tự hình thành nên những nỗi sợ hãi thường trực với những thứ tưởng như rất đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Vậy bố mẹ có thể làm gì để giúp con quản lý và vượt qua những nỗi sợ hãi phổ biến?
Trẻ nhỏ dễ sợ hãi con vật: Chó, mèo…
Đây là nỗi sợ phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, bố mẹ đừng bao giờ ép buộc con phải đến gần, làm quen với các loại thú cưng với mục đích giúp con “vượt qua sợ hãi”. Hãy để con được quan sát từ xa, giúp con cảm thấy an toàn và cho con thời gian tự đánh giá tình huống.
Nếu có thể, bố mẹ hãy đối xử nhẹ nhàng với những con vật đó, để cho con thấy thú cưng cũng rất thân thiện và hiền lành. Tránh không đánh đập, la hét, dọa dẫm thú vật trước mặt con. Nếu con to lớn hơn con vật đó, hãy nói với con rằng: “Con nhìn xem, con lớn như thế này, còn em chó/mèo nhỏ xíu thế kia, chắc là các em sợ con hơn đấy!”.
Trẻ đôi khi sợ đi học, đến trường
Nếu con thường tỏ ra phản kháng việc đi học, không hợp tác trên quãng đường đi từ nhà đến trường, nhưng sau đó cả ngày lại vui vẻ hợp tác với bạn và cô, đa phần cảm xúc của con là sợ xa cách.
Hãy luôn cho con cảm nhận được sự quan tâm trìu mến và ấm áp của bố mẹ, đồng thời nhẹ nhàng khuyến khích khả năng tự lập của con từng chút một. Luôn thực hiện việc chào hỏi con mỗi khi chia tay rõ ràng nhưng dứt khoát, giữ đúng lời hứa với con trong tất cả mọi việc để con tin tưởng khi bố mẹ nói sẽ quay lại đón con.
Nếu con có những nỗi lo lắng khi ở trường vì bạn bè, trường lớp, môi trường ồn ào… hãy dành thời gian tìm hiểu, trò chuyện với cô để cùng hỗ trợ con hòa nhập tốt hơn. Nếu có thể, hãy dành chút thời gian ở bên cạnh con trong những ngày đầu đi học.
Khi ở nhà, người lớn tuyệt đối không dùng cách dọa dẫm “mách cô”, “cho cô phạt” khi con có những hành vi chưa tốt, ví dụ như: “Con mà không ăn cơm, mai mẹ sẽ mách cô giáo cho cô phạt đấy!”. Việc này sẽ chỉ góp phần làm tăng nỗi sợ hãi và lo lắng của con đối với việc đi học mà thôi
Sợ hãi ma quỷ, sợ bóng tối
Hạn chế cho con tiếp xúc với những chương trình ti vi, phim ảnh và những câu chuyện gây sợ hãi, cho đến khi con có khả năng hiểu biết và phân biệt được những nhân vật hư cấu đáng sợ không có thật ngoài đời.
Cùng con đi “săn tìm” quái vật trong phòng để cho con thấy là không có gì đáng sợ đang ẩn nấp trong phòng cả. Nếu con quá sợ bóng tối, hãy bật đèn ngủ nhỏ và ở cạnh chờ con ngủ say. Có thể cho con những “vũ khí” để chống lại quái vật hay ma quỷ như: Gấu bông bảo vệ sẽ ngủ cùng giường với con, hũ nước thần làm cho quái vật bỏ chạy, bình xịt làm cho ma tránh xa…
Chứng ám ảnh sợ hãi ở trẻ nhỏ
Khi nỗi sợ của con trở nên quá nặng nề và căng thẳng, gây hoảng loạn, làm con mất kiểm soát trong một thời gian dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày, việc học tập của con và không có cách gì làm cho thuyên giảm, có thể con bị mắc chứng ám ảnh sợ hãi (phobia).
Một số trường hợp có thể có nguyên nhân trực tiếp đến từ những vấn đề gia đình, và con có thể cần được tư vấn và chữa trị tâm lý. Một số trường hợp có thể không cần chữa trị, sẽ tự giảm bớt theo thời gian khi con lớn lên.
Bố mẹ hãy tinh ý để nhận biết cảm xúc của con, có đủ sự nhạy cảm để hỗ trợ con phát triển khả năng tự điều tiết, tạo môi trường sống và sinh hoạt giúp con cảm thấy an tâm và an toàn. Dần dà, khi trí tuệ cảm xúc (EQ) của bản thân tăng cao, con sẽ tự tin hơn.
Nguồn : Sức Khoẻ Cộng Đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/tre-nho-thuong-co-nhung-noi-so-hai-nhu-the-nay-bo-me-phai-that-tinh-te-va-kheo-leo-moi-co-the-giup-con-vuot-qua-a188666.html