Trẻ sốt bao nhiêu độ thì uống hạ sốt? Lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ em

Trẻ sốt bao nhiêu độ thì uống hạ sốt? Các loại thuốc hạ sốt trẻ em? Lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ em? là những câu hỏi mà nhiều mẹ nuôi con nhỏ rất quan tâm.

Sốt là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Nhiều bậc cha mẹ quá lo lắng thấy con mới bị sốt là dùng mọi cách hạ sốt. Theo các bác sĩ thuốc hạ sốt phải được dùng đúng cách để tránh gây hại cho trẻ.

Trẻ sốt bao nhiêu độ thì uống hạ sốt?

Khi lên cơn sốt tức là hệ thống miễn dịch của cơ thể đang chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus. Do đó, có thể hiểu sốt là phản ứng tốt của cơ thể, không phải bệnh. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt sốt là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm

Thân nhiệt của trẻ nhỏ thông thường dao động từ khoảng 36,5 độ C cho đến 37,5 độ C. Tùy vị trí trên cơ thể và tùy thời điểm mà thân nhiệt từng chỗ của trẻ có thể khác nhau. Cha mẹ chỉ có thể xác định con bị sốt khi sử dụng nhiệt kế để đo thân nhiệt. Thông thường, trẻ được coi là sốt khi thân nhiệt trên 37,5 độ C.

Trẻ sốt bao nhiêu độ thì uống hạ sốt? Lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ sơ sinh

Chỉ dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C

Nhiều bậc cha mẹ mỗi khi thấy con mới chớm sốt đã lo lắng, dùng ngay thuốc hạ sốt hoặc tìm mọi cách hạ sốt cho con. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, BV Bạch Mai khẳng định, cha mẹ không nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ vẫn dưới 38,5 độ C.

Đo thân nhiệt của trẻ bằng cách đặt nhiệt kế ở nách là chính xác nhất. Không nên đo thân nhiệt ở miệng, trán hay hậu môn. Không cần cộng trừ chênh lệch 0,5 độ C.

Cũng theo BS Dũng, khi trẻ sốt nhẹ ở mức 37,5-38,5 độ chỉ cần cởi bớt quần áo, cho bé uống nhiều nước hoặc bú mẹ nhiều hơn.

“Nếu sốt không làm cho trẻ chán ăn, không gây bứt rứt, khó chịu thì cha mẹ nên để nguyên, trẻ sẽ hết sốt tự nhiên và phần lớn các bệnh nhiễm trùng lại nhanh khỏi”, PGS Dũng khuyến cáo.

Các loại thuốc hạ sốt trẻ em

Trên thị trường thuốc hạ sốt được bán rất phổ biến và đa dạng về chủng loại. Ba loại thuốc hạ sốt được bán rộng rãi nhất là Paracetamol (còn gọi là acetaminophen), aspirin hoặc ibuprofen.

Trong đó, paracetamol được bác sĩ khuyên dùng nhiều hơn cả. Hai loại thuốc hạ sốt aspirin hoặc ibuprofen có chống chỉ định nên khó dùng hơn.

Thuốc hạ sốt paracetamol hiện có ba loại với tác dụng khác nhau:

Paracetamol đơn thuần: chỉ có tác dụng hạ sốt và kháng viêm nhẹ. Loại này có tác dụng hạ sốt rất mạnh, thích hợp dùng hạ sốt cho trẻ bị sốt do mọc răng, sốt phát ban, sốt virus.

Trẻ sốt bao nhiêu độ thì uống hạ sốt? Lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ sơ sinh

Cha mẹ tuyệt đối không tự ý tăng liều thuốc hạ sốt

Paracetamol có kết hợp với codein vừa có tác dụng hạ sốt, vừa có tác dụng giảm đau đầu. Loại này thích hợp với người lớn bị sốt do bị nhiễm virus, sốt có kèm theo đau đầu, đau mỏi cơ khớp.

Paracetamol có kết hợp với chlorpheniramine: Loại thuốc này thích hợp với các loại sốt do cúm, do viêm họng, viêm đường hô hấp.

Với Trẻ em, bác sĩ khuyên dùng loại thuốc hạ sốt paracetamol đơn chất. Vì trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể chọn thuốc hạ sốt dạng bột có các hương vị cam, chanh, dâu… và dạng viên đạn.

Ưu điểm của thuốc hạ sốt dạng bột là hòa tan vào nước, giúp trẻ dễ uống, dễ hấp thu hơn và hạ sốt nhanh.

Trường hợp trẻ sốt cao, li bì, nôn trớ thì không dùng thuốc hạ sốt đường uống mà nên dùng viên đạn hạ sốt nhét vào hậu môn.

Lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ em

Các bác sĩ cảnh báo không phải đối tượng trẻ em nào cũng có thể dùng thuốc hạ sốt. Cha mẹ không tự ý cho trẻ dưới 3 tháng tuổi dùng thuốc mà không có ý kiến bác sĩ.

Chỉ cho trẻ dùng thuốc đúng liều lượng:

Thuốc hạ sốt dạng bột gói được bào chế dưới hai hàm lượng: 80mg và 250mg. Gói 80mg dùng cho trẻ em có cân nặng từ 5-12kg (trẻ dưới 1 tuổi). Gói 250mg dùng cho trẻ từ 13-50kg, tức là trẻ từ 2 – 15 tuổi. Hoặc liều chỉ định 10mg-15 mg thuốc/kg mỗi lần khi sốt.

Cha mẹ không vì thấy con sốt cao mà tự ý tăng liều. Khoảng cách tối thiếu giữa 2 lần uống thuốc hạ sốt là 4 tiếng. Chỉ lặp lại liều thuốc tiếp theo sau ít nhất 4 tiếng với liều lượng tương đương lần uống trước. Một ngày dùng thuốc 3-4 lần, không uống quá 60mg thuốc/kg.

Với thuốc hạ sốt dạng viên đạn hiện nay được bào chế với 3 hàm lượng: 80mg, 150mg và 300mg. Cụ thể, dạng 80mg dùng cho trẻ từ 4-6kg (tương đương từ 1-5 tháng tuổi). Dạng 150mg dùng cho trẻ từ 7-12kg (tương đương từ 6 tháng đến 1 tuổi). Dạng viên đạn 300mg dùng cho trẻ từ 13-24kg (từ 2-9 tuổi).

Loại thuốc nhét hậu môn có liều lượng tương đương thuốc uống. Cha mẹ không nhét thuốc hạ sốt vào hậu môn trẻ quá nhiều. Bởi paracetamol hấp thu nhiều qua trực tràng. Nếu trong trực tràng có phân, tác dụng của thuốc sẽ giảm đi đáng kể. 

Lưu ý liều lượng nhét thuốc hạ sốt qua đường hậu môn là liều cố định, không được bẻ hay nhét 2-3 viên 1 lúc.

Ngoc Mai (theo Hà Ly)

Nguồn: https://baosuckhoecongdong.vn/tre-sot-bao-nhieu-do-thi-uong-ha-sot-luu-y-khi-dung-thuoc-ha-sot-cho-tre-em-129533.html 

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn