Tuần khủng hoảng của bé, mẹ nên làm gì để cùng bé vượt qua?

Trong quá trình chăm sóc trẻ, chắc hẳn các bà mẹ bỉm sữa sẽ đối mặt với tuần khủng hoảng của bé ở những giai đoạn nhất định.

Tuần khủng hoảng của trẻ hay còn gọi là Wonder Week là cụm từ dùng để miêu tả thời gian phát triển mạnh mẽ tự nhiên của trẻ, khiến trẻ có thể đột nhiên thay đổi tính cách. Chính vì thế, bố mẹ cần chuẩn bị đầy đủ kiến thức để đối phó với tuần khủng hoảng, tránh bối rối và hoảng loạn không biết nên làm gì.

Tuần khủng hoảng của bé là gì?

Tuần khủng hoảng của bé là giai đoạn xuất hiện các bước nhảy vọt về trí tuệ và kỹ năng của con trong 2 năm tuổi đầu đời. Trong giai đoạn này, não và hệ thần kinh của trẻ có sự thay đổi vượt bậc về nhận thức và giác quan nhưng chưa kịp thích nghi về mặt nhận thức, thể chất. Do đó, trẻ có những biểu hiện “khó ở” vô cớ khiến nếp sinh hoạt của mọi người xung quanh và bé thay đổi là điều tất yếu.

tuan khung hoang cua be

Các tuần khủng hoảng của bé sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: tuần thứ 5, 8, 12, 19, 26, 37, 46, 55, 64 và 75. Vào các tuần này, mẹ thường thấy bé quấy khóc, khó chịu và tính cách bất thường hơn.

Wonder week được tính theo ngày dự sinh của bé, nên các bé sinh non thì mẹ tính theo ngày sinh dự kiến chứ không phải ngày sinh thực.

Dấu hiệu nhận biết tuần khủng hoảng của bé

Không phải tự nhiên mà được gọi là tuần khủng hoảng, bởi không chỉ bé mà ba mẹ cũng rơi vào trạng thái khủng hoảng theo bé. Một số biểu hiện cho thấy trẻ đang bước vào wonder week:

  • Trẻ hay quấy khóc vô cớ, hay cáu giận
  • Đòi bên mẹ nhiều hơn, nhu cầu gần gũi của bé với bố mẹ cao hơn, muốn bố mẹ âu yếm, dỗ dành
  • Khó ngủ, ít ngủ, hay khóc đêm, giấc ngủ không sâu
  • Trẻ chán ăn, lười bú, hay quấy khi ăn
  • Tâm trạng thay đổi: dễ cáu gắt, bực bội hay khóc.

10 tuần khủng hoảng của bé diễn ra như thế nào?

1. Tuần khủng hoảng của bé- Giữa tuần 4 đến giữa tuần 5

Đây là thời gian có chuyển biến mạnh mẽ về giác quan. Sau tuần khủng hoảng này, trẻ sẽ nhìn mọi vật chăm chú, thường xuyên hơn, có cảm giác muốn chạm vào mọi vật, phản ứng lại khi bạn trêu đùa và nhạy cảm với mùi hương.

2. Giữa tuần 7 đến giữa tuần 9

Trong thời gian này, con bắt đầu nhận ra những hình thù đơn giản trong không gian, sử dụng các chi của cơ thể nhanh nhẹn hơn, cảm nhận sự thân thuộc với môi trường xung quanh.

tuan khung hoang cua be

Bước qua giai đoạn này, bé có thể giữ đầu chắc chắn hơn, quay về phía có âm thanh, có dấu hiệu muốn được cầm nắm, muốn khám phá và quan sát các bộ phận của cơ thể.

3. Giữa tuần 11 đến giữa tuần 12

Giai đoạn này, trẻ biết dùng các giác quan để phân biệt thứ tự và sự tồn tại của vật thể trong môi trường xung quanh, nhận biết sự chuyển đổi âm thanh, chuyển động, ánh sáng, hương vị.

Từ sau tuần khủng hoảng này, bé sẽ bắt đầu biết lẫy, lật sấp, lật ngửa, ngóc đầu, xoay theo nhiều hướng và dùng mắt để theo dõi sự di chuyển của một vật nào đó. Bé cũng cười nhiều hơn và thích nghe những âm thanh ở các cao độ khác nhau.

4. Giữa tuần 14 đến giữa tuần 19

Bé có những thay đổi và phát triển như sau:

  • Trẻ hình thành kỹ năng cầm nắm tốt hơn
  • Biết đưa mọi thứ vào miệng
  • Biết dõi ánh mắt để tìm người thân khi ở nơi đông người
  • Nhận biết được tên của mình
  • Dừng lại, đẩy núm vú hoặc bình sữa ra khi no.

5. Tuần khủng hoảng của bé- Giữa tuần 22 đến giữa tuần 26

Sau tuần này, bé sẽ dần quan tâm đến hành động của mọi người xung quanh. Con biết nhấc người, di chuyển và ném mọi thứ để khám phá xem bản thân có thể làm gì.

Bên cạnh đó, bé cũng dần có những hành động như thổi bong bóng bằng cách phun nước bọt, tạo âm thanh bằng cách chuyển động lưỡi, bắt đầu đứng lên với sự hỗ trợ.

6. Wonder week- Giữa tuần 33 đến giữa tuần 37

Bé có thể hiểu được một số từ, nhận ra sự phản chiếu của chính mình và có thể chơi các trò chơi như ú òa, bắt chước người khác, biết cách thể hiện cảm xúc của bản thân, bắt đầu tập bò…

tuan khung hoang cua be

7. Giữa tuần 41 đến giữa tuần 46

Con hiểu về trình tự, có thể trả lời các câu hỏi đơn giản, chỉ vào sự vật, bắt chước hành động của người lớn, cố gắng tự mặc quần áo cho bản thân.

8. Giữa tuần 51 đến giữa tuần 54

Thể hiện sự thích thú với những thứ bé muốn, tập vẽ và sử dụng việc quan sát để học tập về mọi thứ xung quanh. Ngoài ra, bé bắt đầu khám phá các hành động cá nhân có thể làm hay kết quả của các hành động. Như mặc quần áo đẹp là tín hiệu cho một hoạt động nào đó sắp diễn ra sau đó như đi chơi…

9. Giữa tuần 59 đến giữa tuần 61

Đây là lúc bé bước vào giai đoạn tập đi, phát triển nhiều kỹ năng liên quan tới thể chất, vận động. Trẻ có thể bắt chước và giả vở, đóng kịch, sử dụng ngôn ngữ để diễn tả cảm xúc hay thu hút mọi người xung quanh.

tuan khung hoang cua be

10. Giữa tuần 70 đến giữa tuần 76

Sau tuần này, trẻ bắt đầu khám phá các giới hạn của bản thân, nhận biết đầy đủ hơn về khái niệm thời gian, bắt đầu nói và tiếp thu ý kiến, kiến thức của người khác.

Ba mẹ cần làm gì để vượt qua tuần khủng hoảng của bé?

Cha mẹ hãy nhớ rằng, đây là giai đoạn con cái cần các bạn nhất, muốn được bố mẹ ở bên để không thấy lạc lõng. Do đó, các bậc phụ huynh hãy:

  • Cố gắng kiên nhẫn với bé: khi bé quấy khóc và bám dính lấy ba mẹ là dấu hiệu của việc bé cảm thấy không an toàn. Khi đó, hãy ôm ấp và trấn an con để con cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Các bậc phụ huynh không cần quá lo: các mốc thời gian trên chỉ là những con số trung bình mang tính chất tương đối, sẽ có bé đến sớm hoặc muộn hơn. Điều quan trọng, bạn hãy cố gắng lắng nghe những biểu hiện của con qua từng giai đoạn để biết được sự phát triển của bé.
  • Nếu bé không muốn bú, đừng ép chúng.
  • Cho trẻ ngủ sớm hơn bình thường, nếu đêm bé khó ngủ hãy cắt các cơn ngủ ngày.

Nuôi dạy con nên người là cả một hành trình dài có cả niềm vui, khó khăn. Những thử thách đầu đời cho ba mẹ chính là tuần khủng hoảng của bé. Nhưng hơn tất cả, sự phát triển khỏe mạnh của con chính là niềm hạnh phúc của ba mẹ.

Nguồn : bau.vn