Trước thông tin “bác sĩ tên Khoa rút ống thở của mẹ để nhường cho sản phụ song sinh” được lan truyền với tốc độ “chóng mặt” trên mạng. Câu chuyện được mọi người chia sẻ với mục đích biết ơn sự hi sinh, lan tỏa tinh thần nhân văn đến cộng đồng. Tuy nhiên, theo Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) đã vào cuộc xác minh và khẳng định đây là tin giả. Sự việc trên đang làm dậy sóng dư luận.
Đây không phải lần đầu những thông tin thất thiệt, hư cấu, không đúng sự thật được lan truyền trên mạng xã hội. Một lần nữa, câu chuyện hư cấu về “bác sĩ Khoa” giống như một tiếng chuông nhắc nhở mọi người khi tiếp cận những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ động cơ, mục đích của vụ “bác sĩ Khoa”, xử lý nghiêm vi phạm.
Bước đầu xác định nhóm “bác sĩ Khoa” trên Facebook là ảo, nhưng các comment, tương tác là thật. Nhóm này đã bịa đặt câu chuyện bác sĩ Khoa rút ống thở oxy của mẹ để nhường cho sản phụ, lấy lòng thương của cộng đồng mạng.
Sau khi thông tin được lan truyền rộng rãi trên mạng, tài khoản “Trần Khoa” (được cho là của bác sĩ Khoa) đã khóa.
Qua tổng hợp dữ liệu ban đầu, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với cơ quan công an thành phố và các đơn vị nghiệp vụ an ninh mạng tập trung điều tra làm rõ dấu hiệu lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi từ nhóm “bác sĩ Khoa” và những thông tin nhằm mục đích chống phá hoặc bôi nhọ các chế độ chính sách của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, tạo ra sự hoang mang trong dư luận xã hội.
Hai chủ tài khoản Facebook bị xử phạt là Nguyễn Đức Hiển và Hoàng Nguyên Vũ. Khi làm việc với cơ quan chức năng cả hai chủ tài khoản trên đều thừa nhận đã vội vã chia sẻ nội dung từ Facebook Trần Khoa mà chưa kiểm chứng tính chính xác của thông tin. Sau khi phát hiện sự việc không có thật, cả hai tài khoản trên đã gỡ bài và đăng lời xin lỗi.
Qua vấn đề trên, là người đang dùng mạng xã hội, chúng ta nên tỉnh táo trước thông tin, vụ việc ở trên Facebook. Tuy câu chuyện tin giả về bác sĩ Khoa mang ý nghĩa lan truyền tích cực. Song, nếu như nhìn bề nổi là câu chuyện bác sĩ hết lòng vì người bệnh, hy sinh “tình thân” để cứu người bệnh đang mang song thai. Thế nhưng, biết đâu đó, việc đưa tin giả là muốn “cài” dụng ý về vấn đề “thiếu máy thở” trầm trọng, diễn biến dịch bệnh căng thẳng… để nhằm mục đích khiến người dân hoang mang.
Với thời đại 4.0, thông tin nhiễu loạn khó kiểm soát, chúng ta nên biết chọn lọc để tiếp cận, tránh tình trạng tin giả, tin vịt để tự gât hoang mang cho chính bản thân mình.
Nguồn : bau.vn