Viêm não mô cầu- Căn bệnh gây tử vong nhanh chóng sau 1 ngày

Mới đây, một em bé hơn 4 tháng tuổi đã bị đoạn chi vì bệnh viêm não mô cầu, bệnh đang vào mùa ở phía Nam, cha mẹ hết sức lưu ý để bảo vệ con.

Bệnh viêm màng não do não mô cầu ở trẻ là bệnh truyền nhiễm. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ diễn tiến nhanh chóng, tỷ lệ gây tử vong cao và để lại di chứng nặng nề.

Bệnh viêm não mô cầu là gì?

Bệnh viêm màng não do não mô cầu là hiện tượng viêm của các màng bao bọc hệ thần kinh trung ương do vi khuẩn Neisseria meningitides gây ra, tại Mỹ tỷ lệ tử vong của bệnh lên tới 13%. Đây là loại vi khuẩn phổ biến thứ 2 gây viêm màng não mủ ở trẻ em.

viem nao mo cau

Biểu hiện lâm sàng thay đổi từ sốt nhẹ đến bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết, hay tiến triển ác tính gây tử vong sau vài giờ kể từ khi khởi phát.

Theo các chuyên gia, bệnh do nhiễm não mô cầu lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh thường có thể lâm sàng như viêm màng não (khoảng 50% trường hợp), nhiễm khuẩn huyết (38% trường hợp) hay viêm phổi do vi khuẩn (9% trường hợp) và một số thể lâm sàng khác.

Mặc dù là bệnh ít gặp với tỷ lệ 0,26 ca/100000 người (theo thống kê của Mỹ) nhưng bệnh do não mô cầu có tốc độ lây lan nhanh, khả năng phát triển thành dịch vì lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp (giọt bắn), đặc biệt ở những nơi tập trung đông người.

Các triệu chứng nhận biết

Bệnh thường khởi phát đột ngột với những biểu hiện như sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C (có khi đến 40 – 41 độ C), có thể có kèm rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, đau cơ, nôn vọt, nhức đầu, co giật. Trong các trường hợp nặng, trẻ sẽ li bì, bỏ ăn, bỏ chơi hoặc co giật và cuối cùng là hôn mê.

viem nao mo cau

 

Ngoài ra, trên da trẻ sẽ xuất hiện các ban hình sao trong vòng 1-2 ngày sau sốt. Tử ban (ban bị hoại tử và lan truyền rất nhanh) màu đỏ thẫm hoặc xanh tím, đường kính 1-5 mm, có thể gộp lại thành đám, đôi khi có vùng da hoại tử, bề mặt bằng phẳng, không gồ lên mặt da. Tử ban xuất hiện sớm và lan nhanh rộng khắp người nhưng thường tập trung nhiều ở vùng thân mình và 2 chi dưới. Lúc này, tình trạng của trẻ có thể đã rơi vào nhiễm trùng nhiễm độc, sốc nhiễm trùng nặng, suy đa tạng và có thể tử vong nhanh trong vòng 24 giờ.

Biện pháp phòng tránh viêm màng não do não mô cầu

Cách phòng ngừa căn bệnh này hữu hiệu nhất là chích ngừa vắc xin cho trẻ. Với những trẻ nhỏ chưa đến độ tuổi chích ngừa như trường hợp bé trai 4,5 tháng tuổi thì việc chích ngừa cho những người xung quanh trẻ là rất quan trọng, để tránh nguồn lây bệnh cho trẻ. Trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể chích ngừa vắc xin não mô cầu.

viem nao mo cau

Nếu trẻ có những biểu hiện như sốt cao đột ngột 39 – 40 độ , rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, đau cơ, nôn vọt, nhức đầu, co giật, li bì, bỏ bú, đặc biệt nơi sinh sống đang có dịch não mô cầu thì cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến Bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu đã có chẩn đoán xác định bệnh, trẻ cần được nhập viện điều trị và cách ly tránh lây lan trong cộng đồng, gia đình cần tuân thủ và hợp tác cùng bác sĩ để đạt được hiệu quả cao nhất trong điều trị.

Đối với các thành viên trong gia đình, anh chị em, bạn bè có tiếp xúc với Bệnh nhân cần nhanh chóng đến Bệnh viện để được tư vấn liệu pháp kháng sinh dự phòng bệnh.

Nguồn : bau.vn