Thiếu máu là tình trạng hàm lượng Hemoglobin (Hb – một protein quan trọng của hồng cầu) trong máu dưới 11g/dl. Nguyên nhân do cơ thể không nhận đủ lượng sắt cần thiết để sản sinh ra Hb
Bà bầu bị thiếu máu nhiều, kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và trẻ sau khi sinh dễ gặp nhiều biến chứng đáng lo ngại. Do đó, lượng Hb phải được duy trì trong giới hạn bình thường, giúp thai nhi ổn định, mẹ khỏe.
Nguyên nhân gây thiếu máu khi mang thai
Bình thường lượng sắt hấp thu qua đường ăn uống chỉ khoảng từ 5 – 15% nên không cung cấp đủ nhu cầu chất sắt cho cơ thể. Nhất là khi mang thai bà mẹ bị nghén, mệt mỏi cũng dẫn đến tình trạng bà bầu bị thiếu máu thiếu sắt.
Thiếu sắt thiếu máu khi mang thai là do nhu cầu sắt ở phụ nữ mang thai cần nhiều hơn để cung cấp cho thai nhi. Nhu cầu sắt tăng nhiều nhất ở quý 2 và quý 3 của thai kỳ, tăng lên 5 – 7 lần. Do nhu cầu sắt ở thời kỳ mang thai tăng cao nhưng chế độ ăn khó đáp ứng đủ nên lên đến 5 – 7 lần.
Chính vì vậy, nguyên nhân chủ yếu làm bà bầu thiếu máu và thiếu vi chất ở phụ nữ mang thai là do chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu. Thiếu máu khi mang thai xảy ra nhiều với thai phụ ở vùng nông thôn, vùng miền núi do điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Ảnh hưởng của việc thiếu máu khi mang thai
Bà bầu bị thiếu máu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thể trạng và tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm như:
Sức đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh
Khi cơ thể mẹ không nhận đủ chất sắt, các vitamin B9, B12, canxi… sẽ khiến tình trạng sức khỏe suy giảm, hệ miễn dịch kém hơn. Các vi rút, vi khuẩn dễ xâm nhập gây bệnh mẹ cho mẹ bầu.
Bà bầu bị ốm, ho nhiều trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Thai chậm phát triển, nhẹ cân hơn so với những thai nhi nhận đủ dưỡng chất từ mẹ.
Bà bầu thiếu máu khi mang thai sức đề kháng, miễn dịch sẽ kém, dễ ốm hơn
Dễ bị choáng, ngất xỉu
Thiếu chất sắt nhiều, lượng máu không được sản sinh đủ để đi nuôi cơ thể mẹ gặp các biến chứng như bị choáng, hoa mắt, chóng mặt hoặc thậm chí là ngất xỉu.
Nguyên nhân lượng máu lên não không đủ và thai càng lớn, tạo áp lực lên các tĩnh mạch, mạch máu càng nhiều dẫn đến tình trạng bà bầu bị choáng, ngất xỉu do thiếu máu.
Bong nhau non
Thiếu hụt lượng axit folic (Vitamin B9) ở bà bầu sẽ làm tăng khả năng bong nhau non. Tình trạng này khiến thai bị bong, tách khỏi tử cung dễ dẫn đến biến chứng mẹ bầu bị chảy máu nặng, sảy thai hoặc sinh non.
Nguy cơ sảy thai cao
Thiếu máu khi mang thai 3 tháng đầu do thiếu vitamin B9 và sắt sẽ làm tăng khả năng sảy thai và dị tật thai nhi ở trẻ. Nếu mẹ có tình trạng bong rau non thì rất dễ bị sảy thai, mất con. Mẹ nên cẩn trọng!
Bệnh huyết áp thai kỳ
Bệnh huyết áp cao khá nguy hiểm với bà bầu, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ. Khi lượng máu không được bơm đủ đi khắp cơ thể, thiếu máu sẽ gây ra tình trạng mẹ bầu bị huyết áp cao.
Bệnh gây các biến chứng về bệnh tim mạch, đột quỵ, tiền sản giật, thai chậm phát triển…
Huyết áp cao dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tiền sản giật, đột quỵ ở mẹ bầu
Tiền sản giật
Huyết áp cao là nguyên nhân chính gây tiền sản giật ở bà bầu do cơ thể mẹ thiếu máu. Bệnh lý này khá nguy hiểm, dễ dẫn đến nguy cơ thai bị chết lưu, đẻ non, thai chậm phát triển và dễ gây nguy hiểm cho mẹ khi sinh nở.
Nhau tiền đạo
Bà bầu thiếu máu khi mang thai có nguy cơ bị nhau tiền đạo (nhau bám vào đáy tử cung) sẽ cản trở đường ra của thai nhi khi chuyển dạ. Tình trạng này làm tăng nguy cơ chảy máu tử cung, sinh non, thậm chí tử vong cho mẹ và bé nếu không được mổ lấy thai ra kịp thời.
Vỡ ối sớm
Nếu mẹ bầu bị nhau tiền đạo do thiếu máu, sẽ có nguy cơ vỡ ối sớm hơn ngày dự sinh. Nếu mẹ vỡ ối trước ngày dự sinh 1 – 7 ngày thì không nguy hiểm, tuy nhiên mẹ vỡ ối trước 1 – 2 tháng sẽ khiến bé bị đẻ non, thiếu oxy và tăng khả năng nhiễm khuẩn ở cả mẹ và bé.
Băng huyết sau sinh và nhiễm trùng hậu sản cao
Đây là biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng bà bầu khi bị thiếu máu trầm trọng. Lượng máu cơ thể cần không đáp ứng đủ, cùng với một số nguyên nhân như tử cung có u xơ, mang đa thai… sẽ dẫn đến băng huyết, nhiễm trùng sau sinh cao.
Dự phòng thiếu máu khi mang thai
Để dự phòng thiếu vi chất, thiếu sắt và thiếu máu khi mang thai, nhân viên y tế tuyến cơ sở, người có uy tín tại cộng đồng cần tuyên truyền phổ biến để phụ nữ mang thai chủ động có chế độ ăn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng, bổ sung viên sắt và acid folic.
Bà mẹ mang thai nên tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt sau đây khi bị thiếu máu khi mang thai:
- Bổ sung chất sắt dạng viên hoặc dạng nước. hoặc qua các loại thực phẩm hằng ngày như thịt có màu đỏ như thịt bò, cá, gan, lòng đỏ trứng, rau xanh, các loại đậu,… Trứng gà là nguồn thực phẩm dồi dào chất dinh dưỡng như protein, canxi, photpho, sắt, chất khoáng và nhiều vitamin có lợi cho sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của thai phụ. Đặc biệt hầu như các chất dinh dưỡng trong quả trứng gà đều tập trung ở lòng đỏ. Mỗi tuần bà bầu có thể ăn từ 3 đến 4 quả trứng gà.
- Do nhu cầu sắt và acid folic ở của phụ nữ mang thai tăng cao nhưng chế độ ăn khó đáp ứng đủ nên WHO khuyến nghị phụ nữ mang thai cần uống bổ sung sắt và acid folic với liều 60 mg sắt nguyên tố và 400mcg acid folic mỗi ngày. Uống bổ sung sắt và acid folic cần uống đều đặn hàng ngày kể từ khi phát hiện có thai cho đến sau khi sinh 1 tháng.
Để hấp thụ sắt tốt nhất bà bầu nên uống khi đói. Lưu ý trước và sau khi uống viên sắt thì không nên uống trà, cà phê hoặc sữa bởi nó sẽ cản trở sự hấp thụ sắt.
Để hỗ trợ cho quá trình hấp thụ sắt được diễn ra một cách tốt nhất, bà bầu nên bổ sung vitamin C có trong các loại trái cây, rau xanh, …
Các loại thuốc sắt dạng viên có nguy cơ làm cho bà bầu bị táo bón, khó chịu dạ dày. Vì vậy, khi uống viên sắt, bà bầu nên tăng cường ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi để tăng cường chất xơ và uống thêm nước để tránh tác dụng phụ này.
Sau khi điều trị trong vòng vài tuần, nồng độ sắt của bà bầu sẽ trở về bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng không diễn biến khá hơn thì cần đến bệnh viện để thực hiện một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây thiếu máu và có biện pháp chữa trị chuẩn xác nhất.
Nguồn : Sức Khoẻ Cộng Đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/thieu-mau-khi-mang-thai-nguyen-nhan-va-dau-hieu-cac-me-can-biet-a180416.html